1. Cơn địa chấn Ả-rập
Ngay khi thế giới bước vào năm mới Tân Mão với bao niềm hy vọng thì một cơn “địa chấn” đã bùng lên ở thế giới Ả-rập khiến khu vực Trung Đông và Bắc Phi chao đảo. Cơn địa chấn được nói ở đây chính là làn sóng các cuộc nổi dậy, biểu tình chống chính phủ được châm ngòi từ Tunusia hồi tháng 1 và lan ra khắp khu vực. Những nước bị “cuốn” vào cơn địa chấn hay còn được gọi là cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả-rập gồm Yemen, Libya, Syria, Bahrain, Oman, Iran, Iraq...
Từ Morocco tới Muscat, các nhà cầm quyền Ả-rập đã và đang nhận được một thông điệp rõ ràng rằng hiện trạng đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua ở đất nước của họ đã trở nên không còn được chấp nhận với đa số người dân. Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở các cấp độ khác nhau tại nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, những phong trào chống chính phủ này có một số điểm chung. Đó là người dân muốn có việc làm, có nhiều cơ hội hơn, muốn chống tham nhũng và giảm giá lương thực...
Khi cả Tunisia và Ai Cập đều lật đổ thành công các tổng thống của mình ngay trong những tháng đầu năm thì người ta bắt đầu nói đến “hiệu ứng domino” và nhiều dự đoán cho rằng các chính quyền Ả-rập khác sẽ không tránh khỏi viễn cảnh sụp đổ lần lượt. Những cuộc biểu tình leo thanh thành bạo lực và cả chiến tranh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy hàng chục nghìn người vào cảnh đói khổ, không nhà cửa. Nền kinh tế và sự ổn định chính trị, xã hội ở những đất nước này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
2. Thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ở Nhật Bản
Sự kiện chấn động địa cầu nhất trong năm qua chính là thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ở đất nước Nhật Bản. Người dân thế giới có lẽ giờ đây vẫn chưa thể quên được những hình ảnh kinh hoàng về trận động đất khủng khiếp mạnh tới 9 độ richter kèm theo những con sóng thần hung dữ cao tới 10m tấn công vào miền đông bắc Nhật Bản hôm 11-3.
Chỉ trong nháy mắt, cả một thành phố sôi động, giàu có và quy củ bỗng chốc biến mất, thay vào đó là một đống những khối bê tông đổ vỡ, những mảnh gỗ nát vụn, những thanh sắt méo mó, những đồ đạc hỏng hóc... Cảnh tượng này gợi người ta nhớ đến những bức ảnh về Nagasaki và Hiroshima sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố này trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Một phóng viên với kinh nghiệm 30 năm trên chiến trường còn thốt lên rằng, anh chưa bao giờ chứng kiến một thứ gì kinh khủng như thế.
Theo những con số thống kê chính thức của Nhật Bản thì thảm họa kép động đất-sóng thần ở Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người, làm 5.933 người bị thương và 4.056 người mất tích. Thiệt hại về vật chất lên tới con số khổng lồ 309 tỉ USD. Như vậy, đây là thảm họa thiên nhiên gây tổn thất về vật chất lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Nghiêm trọng hơn, trận động đất sóng thần ngày 11-3 còn kéo theo một thảm họa hạt nhân kinh hoàng khác. Chưa hết bàng hoàng sau động đất, sóng thần, người dân Nhật Bản lại phải gồng mình lên tiếp tục chống lại cuộc khủng hoảng hạt nhân gây ra từ việc rò rỉ phóng xạ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
3. Cuộc chiến ở Libya và cái chết bi thảm của Gaddafi
Trong làn sóng của cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập, sự kiện ở Libya thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận và làm tốn giấy mực của báo chí thế giới nhất.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ 42 năm tuổi của Tổng thống Muammar Gaddafi bắt đầu nổ ra từ giữa tháng 2 và nhanh chóng biến thành một cuộc nội chiến từ đầu tháng 3. Cuộc chiến này đã trở nên khốc liệt hơn, đẫm máu hơn và quyết liệt hơn khi vào ngày 19-3, một loạt các cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Italia đồng loạt tấn công vào Libya với cái cớ là bảo vệ dân thường nước này theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hôm 17-3.
Cuộc chiến giữa một bên là lực lượng trung thành với ông Gaddafi với một bên là phe nổi dậy được hậu thuẫn bởi các cường quốc phương Tây đã kéo dài suốt hơn 7 tháng trời. Hai bên đã đánh qua đánh lại trong thế giằng co, bế tắc. Cuộc chiến này chỉ bắt đầu có bước ngoặt đột phá là vào cuối tháng 8 khi thủ đô Tripoli- thành trì chính của ông Gaddafi thất thủ và nó chỉ kết thúc sau cái chết bi thảm hồi tháng 10 của ông Gaddafi.
4. Đám cưới thế kỷ của Hoàng gia Anh
Ngoài những tin tức đáng buồn về thảm họa thiên nhiên, về các vụ giao tranh, bạo lực, người dân thế giới trong những tháng đầu năm 2011 đã được chứng kiến một đám cưới cổ tích đẹp như mơ của cặp đôi Hoàng gia Anh. Hơn 2,5 tỉ người trên khắp thế giới đã háo hức và thích thú đón xem sự kiện trọng đại nhất của Hoàng gia Anh trong vòng 30 năm trở lại đây.
Dù lễ cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate đã kết thúc từ cách đây nhiều tháng nhưng dư âm mà nó để lại vẫn còn rất đậm. Rõ ràng dư âm này sẽ không đậm đà như thế nếu lễ cưới của cặp đôi Hoàng gia Anh chỉ dừng lại ở sự hoành tráng và lộng lẫy. Chính tình yêu của Hoàng tử William và Công nước Kate là điều thu hút nhất ở đây. Giữa đầy rẫy những thông tin về chiến tranh, bạo lực, biểu tình và thảm họa... những thông tin tươi sáng, hạnh phúc xung quanh đám cưới Hoàng tử William đã cho người dân thế giới những phút giây yên bình, vui vẻ và lạc quan.
5. Cái chết bất ngờ của trùm khủng bố khét tiếng Bin Laden
Hàng triệu triệu người đã không thể rời mắt khỏi màn hình tivi khi nghe Tổng thống Obama thông báo về cái chết của trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden tối ngày 1-5. Hàng chục ngàn người sau đó đã đổ ra khắp các đường phố ở Washington, New York và nhiều thành phố khác để ăn mừng tin vui này. Họ không vui sao được sau khi hơn một thập kỷ qua, nước Mỹ đã phải tốn bao công sức, đổ bao nhiêu tiền của mới có thể tiêu diệt được tên trùm khủng bố gây ra cái chết oan ức, tức tưởi của gần 3.000 dân thường vô tội ở nước này trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001.
Người dân thế giới cũng có chung niềm vui với người dân Mỹ bởi trong suốt hơn 10 năm qua, họ hoặc cũng đã phải chứng kiến hoặc là nạn nhân của rất nhiều những thảm kịch đẫm máu, đau lòng do chủ nghĩa khủng bố gây ra.
Cái chết của trùm khủng bố khét tiếng Bin Laden chính là thành quả lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố tốn kém và kéo dài của nước Mỹ. Sau cái chết của Bin Laden, một loạt tướng lĩnh khác của tổ chức Al-Qaeda cũng đã bị tiêu diệt. Chủ nghĩa khủng bố vì thế đã suy yếu.
6. Chấn động vụ thảm sát ở đất nước Na-uy yên bình
Ngày 22-7, cả đất nước Na-uy thanh bình đã bị rúng động mạnh bởi hai vụ tấn công khủng khiếp. Kẻ tấn công gây ra một vụ nổ ở gần tòa nhà chính phủ ở ngay giữa trung tâm thủ đô Oslo rồi sau đó tiến thẳng đến đảo Utoeya và gây ra một vụ thảm sát chấn động thế giới. Chỉ trong vòng 30 phút, kẻ sát nhân đã lạnh lùng thẳng tay giết hại 93 người. Mức độ khủng khiếp của vụ thảm sát đã khiến bất kỳ ai cũng phải bàng hoàng, kinh sợ.
Kẻ sát nhân đã bị bắt ngay sau vụ thảm sát. Điều đáng ngạc nhiên là kẻ tấn công dường như chẳng có bất kỳ mối liên hệ nào với những cá nhân hay tổ chức cực đoan. Hắn thậm chí còn là người chống chủ nghĩa Hồi giáo.
Người dân thế giới cũng cảm thấy choáng váng bởi vụ thảm sát trên diễn ra ở một trong những đất nước được cho là thanh bình nhất, an toàn nhất.
7. Thái Lan có nữ Thủ tướng đầu tiên
Với chiến thắng áp đảo của Đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử hồi tháng 7, người em gái trẻ đẹp của cựu Thủ tướng bị truất quyền Thaksin Shinawatra- bà Yingluck Shinawatra đã trở thành Thủ tướng thứ 28 và là nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan.
Việc bà Yingluck được bầu làm Thủ tướng phần nhiều là nhờ vào uy tín và tình cảm của dân chúng Thái Lan dành cho vị cựu Thủ tướng Thaksin. Mặc dù đã bị truất quyền từ cách đây 5 năm nhưng ông Thaksin vẫn được rất nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp nông dân và công nhân nghèo yêu mến.
8. Báo cáo gây sốc về chương trình hạt nhân Iran
Ngày 8-11, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc đã công bố một bản báo cáo gây sốc về chương trình hạt nhân của Iran. Theo đó, lần đầu tiên IAEA cho rằng, Iran đang ngầm theo đuổi một chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
Bản báo cáo trên ngay lập tức đã châm ngòi cho một cuộc “tổng tấn công” về mọi mặt của các cường quốc phương Tây và Israel nhằm vào Iran.
Đã có rất nhiều tin đồn rộ lên về việc Israel và Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Nhà nước Hồi giáo Iran. Cùng với đó là một loạt hoạt động quân sự “rộn ràng” ở Israel và Mỹ như các cuộc tập trận chung, các hoạt động trang bị vũ khí, triển khai vũ khí và cả những thông tin về các loại vũ khí mới.... Ngoài ra, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây hối hả tìm cách thắt chặt và đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm tăng sức ép lên Iran.
9. Mỹ-Trung tranh nhau Châu Á
Những tháng cuối năm, người ta chứng kiến sự đối đấu căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Dường như chưa có thời điểm nào mà các quan chức Mỹ lại có những hoạt động ngoại giao sôi động và nổi bật ở khu vực Châu Á như trong thời gian vừa qua. Các quan chức hàng đầu của Mỹ liên tục có các chuyến thăm Châu Á, tham dự một loạt hội nghị của khu vực và có những phát biểu ấn tượng về mối quan tâm của họ dành cho khu vực này. Đặc biệt, Mỹ bắt đầu có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện quân sự ở Châu Á như tăng quân đến Australia, có kế hoạch triển khai tàu chiến ở Singapore, Philippine.... Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái này của Mỹ là nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với đối thủ số một- Trung Quốc. Điều này đã khiến Bắc Kinh thực sự “nóng mắt”.
Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ “không đứng yên” để nhìn các quốc gia Châu Á củng cố quan hệ với Mỹ. Rõ ràng, cuộc đối đấu giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang bắt đầu nóng lên.
10. Đối đầu Nga-Mỹ
Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga và Mỹ thời gian gần đây trở nên căng thẳng nghiêm trọng vì một loạt vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, kế hoạch lá chắn tên lửa và cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga.
Cuộc đối đầu giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh chính thức nổi lên từ vấn đề Syria. Moscow mâu thuẫn với Washington trong cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria. Washington muốn chính phủ Syria từ chức trong khi Moscow phản đối sự can thiệp của phương Tây vào đây. Chưa dừng lại ở đó, Nga và Mỹ còn lục đục với nhau vì kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Washington ở Châu Âu.
Diễn biến mới nhất đẩy quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới xuống mức thấp hơn nữa chính là những chỉ trích của giới quan chức Mỹ nhằm vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Nga) vừa diễn ra hôm 4-12 vừa rồi. Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đây đã không ngần ngại phê phán thẳng thừng rằng cuộc bầu cử quốc hội ở Nga vừa không tự do vừa không công bằng. Phát biểu này đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến, phê phán lẫn nhau giữa giới quan chức hai nước.
Hà Phương (tổng hợp)