Thời sự - Bình luận

100 triệu của cựu bí thư thành uỷ và 19 ngày mì tôm của H

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

H, thanh niên 17 tuổi "ăn mì tôm suốt 19 ngày. Thậm chí 3 ngày gần đây nhất phải uống nước cầm hơi”... hay là H, được chính quyền xã hỗ trợ nhưng do lười và ngại, chỉ ở nhà chơi điện thoại ăn mì tôm?
 

H - thanh niên ăn mì tôm 19 ngày - đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. Ảnh: An Trịnh
H - thanh niên ăn mì tôm 19 ngày - đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. Ảnh: An Trịnh



H chỉ là một. Nhưng rõ ràng, đang có hai cách nhìn về H. Một là về thân phận một công nhân xa quê, đang phải cách ly trong vùng phong toả, gặp khó vì dịch bệnh, suốt 19 ngày phải ăn mì tôm.

Và H thứ 2 là từ cách nhìn của người có trách nhiệm trong chính quyền: Ăn mì tôm nhiều ngày liên tục là do thanh niên này lười nấu cơm. Chính quyền có hỗ trợ nhưng ngại. Chỉ ở nhà chơi điện thoại và ăn mì tôm.

Phải nói ngay, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “không để dân bị đói”... là những chỉ đạo đầu tiên, xuyên suốt của Chính phủ. Và kể ngay cả một H nào đó chưa được phát hiện ra thì nó cũng không phản ánh bản chất của an sinh, đặc biệt là trong những hoàn cảnh đặc thù là thiên tai, dịch bệnh.

Hà Thị Mai, một nhân vật trên VNE cũng gần như H.

Mai, 22 tuổi, cũng quê Lạng Sơn - mới đi làm tại khu công nghiệp Đình Trám được 10 ngày. Cô ở trọ tại My Điền 3. Trước lúc có dịch, Mai liên tục tăng ca, ăn hai bữa ở công ty nên chưa kịp sắm nồi, xoong. Khi Bắc Giang ban hành lệnh phong tỏa, "gia sản" của Mai chỉ là 10 gói mì tôm. Và cô lo đói.

Ngày sau đó, chủ nhà trọ chia cho mỗi người 5 gói mì tôm, kèm chục trứng, thêm ít rau, vài cân gạo.

Không nấu cơm, không dám sang hàng xóm mượn nồi vì ngại tiếp xúc gần, Mai để gạo sang một bên. Và khi thấy một cô gái xóm trọ bên kêu đói đã mấy ngày, cô chia cho người này một nửa. "Người ta tiếp tế cho tôi, tôi lại hỗ trợ người khác. Trong hoạn nạn, đùm bọc nhau là lẽ thường".

Hai câu chuyện, những gói mì, nhưng trong đó, có hai thái độ sống.

Chúng ta có thể nhìn thấy trong hai câu chuyện ấy những điểm tích cực: Những người chủ trọ. Hoặc “tiếp tế” cho công nhân thuê trọ gói mì, cân gạo, mớ rau (Như trong chuyện của Mai), hay miễn phí tiền điện, tiền nước, tiền nhà (như trong chuyện của H). Dân mình chưa từng bỏ nhau, chưa từng ngừng san sẻ, dẫu trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Và dân mình, dù khó mấy thì vẫn cam chịu, để vượt qua, chứ không hề ỷ lại nhà nước.

Cũng hôm qua gia đình ông Phạm Quang Nghị đã góp cho Quỹ vaccine 100 triệu đồng. Một hành động phải nói là rất đáng ghi nhận.

Rất nhiều năm trước khi đương chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Nghị đã cực kỳ đàng hoàng và dũng cảm khi đứng ra xin lỗi dân, vì một phát ngôn lỡ lời về sự ỷ lại.

Dân không ỷ lại. Bằng chứng chính là Mai, là H, là những bà chủ trọ, những “Mạnh Thường Quân” và là chính công dân Phạm Quang Nghị, hoặc bằng cách này cách khác đều đang chung sức chung lòng vì đất nước.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/100-trieu-cua-cuu-bi-thu-thanh-uy-va-19-ngay-mi-tom-cua-h-919928.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm