Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 15-10 trận lũ lịch sử đã làm 71 người chết và 31 người mất tích. Nhà bị sập đổ hư hỏng là 221 nhà; nhà bị ngập: 46.177 nhà; nhà di dời khẩn cấp: 2.298 nhà.
Lực lượng chức năng tìm kiếm những người mất tích trong vụ sạt lở đất ở Hòa Bình. |
Về chăn nuôi: 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về nông, lâm nghiệp và tiêu úng, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, diện tích ngập úng còn 126.515ha. Dự kiến, tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định, 3 - 5 ngày ở các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình…
Đáng chú ý, Thanh Hóa còn 35 xã/7 huyện vẫn đang bị ngập, trong đó 3 xã bị cô lập: Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc); Ninh Bình còn 6 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập, hiện nước đang rút chậm. Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
Sáng 15-10, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã ra thông báo yêu cầu các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ; tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết bị nạn.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ để cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp...
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 15-10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 75.145 tầu, thuyền/ 309.279 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cũng trong ngày 15-10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã ban hành Quyết định về việc công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm: Thành phố Hòa Bình: Sạt lở đất ở phía Đông Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (khu vực đồi Ông Tượng); khu vực tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, khu vực tổ 4, phường Thái Bình; khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến); huyện Kim Bôi: Sạt lở đất tại xóm Mớ Khoắc, xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì; xóm Đúp, xóm Củ, xã Tú Sơn; huyện Tân Lạc: Sạt lở đất tại các xã: Phú Cường, Nam Sơn; huyện Đà Bắc: Sạt lở đất tại xóm Nhạp Ngoài, xã Đồng Ruộng, xóm Hà, xã Đồng Chum, xóm Kế, xã Mường Chiềng, xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa và các tuyến đường trên địa bàn huyện; huyện Lạc Sơn: Sạt lở đất tại xóm Nạc, xã Tuân Đạo; huyện Mai Châu: Sạt lở đất tại xóm Phiêng Xa, xã Đồng Bảng; huyện Kỳ Sơn: Sạt lở đất tại xóm Tân Thành, xã Hợp Thành.
N.Yến/CAND