Đây là ngày đầu tiên Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Hơn 6.400 người dương tính với nCoV được phát hiện tại cộng đồng.
Tính từ 18h ngày 18/8 đến 18h30 ngày 19/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.639 ca ghi nhận trong nước.
Về tình hình dịch, trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. TP.HCM tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.
Hai tỉnh, thành phố có tổng số ca nhiễm trong ngày ở ngưỡng 4 con số là là TP.HCM (4.425), Bình Dương (3.255).
Các địa phương có số lượng ca mới ở ngưỡng 3 con số là Đồng Nai (657), Long An (545), Tiền Giang (478), Đồng Tháp (185), Đà Nẵng (164), Khánh Hòa (151), Cần Thơ (134), Tây Ninh (102).
Số ca mới ở các tỉnh, thành phố còn lại là An Giang (70), Vĩnh Long (60), Hà Nội (53), Trà Vinh (51), Nghệ An (45), Phú Yên (44), Bình Thuận (43), Sơn La (26), Quảng Nam (24), Bình Định (24), Kiên Giang (17), Quảng Ngãi (16), Quảng Trị (9), Bình Phước (8 ), Bắc Giang (7), Ninh Thuận (7), Hà Tĩnh (7), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (6), Bắc Ninh (4), Nam Định (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (2), Ninh Bình (2), Bạc Liêu (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Sáu tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
Bốn tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.
Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (164.542), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Bắc Giang (5.802).
Về tình hình điều trị, 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 19/8. Tổng số ca được điều trị khỏi: 120.059 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 660 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
Ngày 19/8, Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 380 ca tử vong tại TP.HCM (307), Bình Dương (45), Long An (17), Cần Thơ (3), Bến Tre (2), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Vĩnh Long (2).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 19/8 là 7.150, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 18/8, 398.031 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều.
Trong buổi làm việc chiều 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình dịch Covid-19 hiện còn rất nghiêm trọng, gây tổn hại và ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội. Việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Nguyên nhân của việc này, theo Thủ tướng, một phần là có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc chưa nghiêm; việc thực hiện 4 tại chỗ còn hạn chế do thiếu nguồn lực nên khi dịch bệnh phức tạp trở nên quá tải…
Tại TP.HCM, số F0 trong cộng đồng đang gia tăng. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, cho rằng TP.HCM vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm và triệt để. Nguyên tắc của giãn cách xã hội là hạn chế sự tiếp xúc giữa người lành và người mang mầm bệnh, cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Theo Thiên Nhan (zingnews.vn)