Bạn đọc

14 năm chống nạng đi đòi quyền lợi: Ông Đào Chín không đầu hàng địch!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai online ngày 21-11-2011 đăng bài “14 năm chống nạng đi đòi quyền lợi” phản ánh việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Gia Lai cắt trợ cấp thương binh của ông Đào Chín đã 14 năm nay mà không rõ nguyên nhân. Trước những thông tin khó hiểu của dư luận về sự việc trên, chúng tôi tiếp tục có chuyến công tác về quê hương ông (huyện An Nhơn- tỉnh  Bình Định)  để xác minh sự việc.

Sự nhầm lẫn đáng tiếc

Trước những thông tin cho rằng mình đã đầu hàng địch nên mới bị Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai cắt chế độ thương binh, ông Đào Chín đã rất bức xúc nhờ con gái liên lạc với chúng tôi để cung cấp thêm một số thông tin. Ông đã trao một bản cam kết về quá trình tham gia hoạt động cách mạng và thời gian sau khi bị thương ông không hề vi phạm khuyết điểm, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi ông cư trú. Một lần nữa chúng tôi tiếp tục có chuyến công tác về nơi trước đây ông đã sinh ra, lớn lên và tham gia hoạt động cách mạng để gặp các nhân chứng biết rõ và nắm chắc lai lịch của ông Đào Chín.

Ông Nguyễn Sương (thứ 2 bên trái), ông Nguyễn Dưỡng (thứ 2 bên phải) cùng ông Đào Chín “thật” và các cựu chiến binh. Ảnh: Hoàng Thành

Nhận lời chúng tôi, ông Đào Chín đã không ngần ngại chống nạng đi cùng để về lại quê hương sau nhiều năm xa cách mong gặp lại những người đồng đội cũ để được minh oan. Nhìn tấm thân già nua, một chân bị tàn phế khập khiễng lê từng bước khó nhọc, râu tóc bạc trắng, khuôn mặt buồn rầu, những người đồng đội năm xưa đã không còn nhận ra ông nữa. Mãi sau lời ông giới thiệu- "tôi là Đào Chín đây" mọi người mới biết và ôm chầm lấy ông trong nỗi nghẹn ngào xúc động.

Ông Nguyễn Văn Tư- cựu chiến binh, 37 năm tuổi Đảng, cán bộ xã nghỉ hưu, nguyên là người chỉ huy trực tiếp và là người cứu ông Đào Chín khi bị thương chuyển về tuyến sau đã nghẹn ngào rơi lệ, sau ít phút trò chuyện ông Tư dẫn chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Sương (87 tuổi) nguyên là Ấp trưởng (thời Ngụy) những năm trước giải phóng, khi ông vừa từ Ayun Pa (Gia Lai) về quê chữa bệnh được mấy ngày. Như có sự kỳ ngộ, rất nhiều cựu chiến binh trong thôn đã tập trung về nhà ông Nguyễn Sương để cùng nhau minh oan cho ông Đào Chín khi hay tin ông Đào Chín (mọi người cứ gọi đùa ông là Đào Chín “thật” và Đào Chín “giả”) đã bị Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai cắt mất chế độ “xương máu” mà đáng lẽ ra ông là người được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Sương cũng khá bất ngờ khi gặp lại ông Đào Chín “thật” trên quê hương. Những tấm thân già nua ngồi nhìn nhau, họ nắm tay nhau hàn huyên ôn lại quá khứ, một lúc sau ông Sương như hồi nhớ lại tất cả. Ông khẳng định với mọi người ông có biết một ông Đào Chín khác hay còn có tên gọi là Đào Chín “một” (ông Chín còn một mắt) là người đã đầu hàng địch năm xưa.

Ông Nguyễn Thái Bình (59 tuổi) cho rằng, tuy ông nhỏ tuổi hơn ông Đào Chín “thật” tới 13 tuổi nhưng ông lại biết rất rõ quá khứ của ông Đào Chín “thật”. Năm 1965, khi đó ông Bình mới 13 tuổi, cha ông làm du kích, ông có nhiều lần theo cha đi tuần tra nên ông biết ông Đào Chín “thật” và khi ông Đào Chín bị thương ông cũng biết, nhưng ông chưa bao giờ hay tin là ông Đào Chín “thật” đầu hàng địch- ông Bình khẳng định.

Ông Đào Chín “thật” không đầu hàng địch!

Đó là lời khẳng định rất chắc chắn của nhiều nhân chứng nguyên là đồng đội của ông Đào Chín “thật”. Bên cạnh đó, khi được tiếp xúc với ông Đào Chín “giả” còn có một số tên gọi khác là Đào Văn Chín hay Đào Văn Chánh (sinh ngày 16-10-1942) là người cùng thôn, cùng họ, cùng tuổi ông đã khẳng định chính ông là người đã đầu hàng địch. Để có cơ sở làm tin ông đã viết giấy ông đầu hàng địch rồi mang lên Công an khu vực xác nhận để chúng tôi có cơ sở khẳng định và ông cũng rất buồn là không hiểu tại sao Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai lại cắt chế độ của người anh em họ hàng của mình. “Không biết có sự nhầm lẫn nào giữa tội đầu hàng địch của tôi với người anh em họ cùng tên không”- ông Chín tâm sự.

Ảnh: Hoàng Thành

Cũng như ông Đào Chín “giả”, ông Nguyễn Dưỡng (85 tuổi) cũng đã khẳng định có sự nhầm lẫn nào đó dẫn đến câu chuyện đáng buồn để xảy ra với ông Đào Chín “thật”. Bởi theo ông, ông cũng là người chiêu hồi địch nên ông biết rất rõ. Ông Đào Chín bị thương vào thời điểm nào, ở đâu và bị thương chỗ nào trên cơ thể ông đều nhớ như in và không có chuyện ông Đào Chín “thật” đầu hàng địch như thông tin dư luận bịa đặt.

Ông Lê Văn Chánh- cán bộ phụ trách an ninh thôn cho rằng: Sau giải phóng, ông làm Xã đội trưởng nhiều năm liên tục, chính ông đã cùng với Công an tiếp quản hồ sơ, danh sách các đối tượng chiêu hồi (đầu hàng địch) ở trong xã nên ông nắm rất chắc từng đối tượng nhưng dứt khoát không có tên ông Đào Chín “thật” này trong danh sách đầu hàng địch ở địa phương.

Nắm chắc được một số thông tin hết sức cơ bản từ những người đồng đội một thời vào sinh ra tử và một số nhân chứng sống biết rõ lai lịch ông Đào Chín “thật”, thậm chí cả một số người đã từng chiêu hồi địch ở địa phương, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền địa phương. Trong buổi làm việc đã có rất đông đủ bao gồm đại diện lãnh đạo, cán bộ thôn, an ninh thôn; đại diện UBND thị trấn; Công an thị trấn Đập Đá… lục lại tất cả hồ sơ lưu trữ các cấp đều khẳng định ông Đào Chín “thật” không đầu hàng địch, mà người đầu hàng địch là người cùng họ tên, cùng thôn, cùng năm sinh chính là ông Đào Chín “giả” hay còn gọi là Đào Chín “một” và hiện nay là Đào Văn Chánh.

Để khẳng định chắc chắn thông tin, chúng tôi cũng đã làm việc với Công an huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Lật từng trang hồ sơ lưu trữ, Công an huyện cho biết: Trong bản khai nhân khẩu của ông Đào Văn Chánh hay còn gọi Chín đã thể hiện rất rõ ràng là ông đầu hàng địch, thậm chí trong hồ sơ quản lý của Phòng An ninh Công an huyện An Nhơn cũng ghi rõ là ông Nguyễn Văn Chánh (Chín) là người đầu hàng địch. Còn ông Đào Chín “thật” trong bản khai nhân khẩu của em ruột mình là ông Đào Văn Mười thể hiện người anh ruột mình là ông Đào Chín không đầu hàng địch, kể cả hồ sơ, danh sách quản lý các đối tượng chiêu hồi địch của Phòng An ninh Công an huyện cũng không có danh sách tên ông Đào Chín “thật”.

Như vậy là đã quá rõ ràng, do đâu và vì sao lại cắt chế độ thương binh của ông Đào Chín 14 năm qua. Rất mong Sở LĐ-TB và XH tỉnh Gia Lai xác minh sự việc và có kết luận chính xác, rõ ràng.

Hoàng Thành

Có thể bạn quan tâm