Thời tiết

2 cơn bão đi vào Biển Đông, mưa đặc biệt lớn tại Trung bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cảnh báo không chỉ có đợt áp thấp nhiệt đới (bão) này, sau khoảng 1 tuần nữa, sẽ tiếp tục có cơn bão mạnh đổ bộ vào Biển Đông.

Họp ứng phó áp thấp nhiệt đới dự báo mạnh lên thành bão tại Hà Nội chiều 6-10


Chiều 6-10 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tiếp với các bộ ngành, thành viên liên quan và trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên để triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới (có thể mạnh lên thành bão).


Dự báo bão đổ bộ vào Trung bộ


Tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia thông tin, các cơ quan dự báo của quốc tế liên tục thay đổi nhận định về hướng di chuyển, cường độ của áp thấp nhiệt đới này, với nhiều mô hình dự báo khác nhau.


“Lúc dự báo sẽ đi lên phía Bắc, lúc lại dự báo sẽ đổ vào Trung bộ”- TS Mai Văn Khiêm nói.
 

TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia tại cuộc họp chiều 6-10


Tuy nhiên cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam nhận định, trong vòng 24 đến 36 giờ kể từ chiều 6-10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Khi tiến sát gần đất liền, bão sẽ có xu hướng di chuyển chếch lên phía Tây Bắc, đi vào khu vực giữa Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ.


Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới (bão) sẽ tạo vùng mưa từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, trong đó từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẽ có lượng mưa đặc biệt lớn, có nơi tới 600mm từ ngày 6-10 đến ngày 8-10. Từ ngày 9-10 đến ngày 12-10, do tương tác của bão với không khí lạnh nên vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ.


Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, các dữ liệu quan trắc cho thấy, trong tháng 10, khu vực Trung bộ có thể dồn dập mưa lũ với lượng mưa cao hơn các năm khoảng 15%-20%.

Nguyên nhân do hiện tượng La Nina đang trở lại, các đợt không khí lạnh năm nay đến sớm, tác động trực tiếp tới miền Trung. Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai về hiện tượng này.

Nhiều tàu cá quyết định "thả dù" trên biển, không chịu di chuyển tránh bão

 

Báo cáo tình hình tàu thuyền trên biển, đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Bình Thuận thực hiện các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới, trong đó đặc biệt chú trọng tới ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

 

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại cuộc họp chiều 6-10.


Cũng theo đại tá Nguyễn Đình Hưng, thực tế đến chiều 6-10, ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định vẫn còn tàu thuyền, ngư dân hoạt động trong khu vực bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (bão). Theo số liệu cập nhật đến 14 giờ chiều, Quảng Ngãi vẫn còn 13 phương tiện, Bình Định còn 129 phương tiện ở khu vực nguy hiểm.

Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, về cơ bản thì các tàu thuyền này đều đã nắm được thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thàn bão và đang di chuyển trú tránh. Tuy nhiên theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Quảng Nam thì ở tỉnh này vẫn có một số tàu thuyền, bà con ngư dân chủ trương thả dù, neo dù trên biển để chờ áp thấp nhiệt đới đi qua sẽ tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản.

Khẳng định việc này là rất nguy hiểm, đại tá Nguyễn Đình Hưng đề nghị tỉnh Quảng Nam cần kiên quyết kêu gọi các tàu thuyền này di chuyển trú tránh, không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới.

 

“Đề nghị các đồn biên phòng của ba tỉnh này cử cán bộ xuống, phối hợp với cấp xã, tới tận gia đình có tàu thuyền còn trên biển để cảnh báo, vận động, yêu cầu các thuyền trưởng không neo dù, chấp hành nghiêm túc quy định về phòng chống thiên tai; phải di chuyển, tìm nơi neo đậu an toàn, nhất là các tàu thuyền ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa”- Đại tá Nguyễn Đình Hưng nói.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.



Chủ trì cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tiếp tục khẳng định việc các tàu thuyền của tỉnh Quảng Nam cố tình thả dù trên biển là rất nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài cảnh báo, không chỉ có đợt áp thấp nhiệt đới (bão) này, sau khoảng 1 tuần nữa, sẽ tiếp tục có cơn bão mạnh đổ bộ vào Biển Đông. “Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phải đôn đốc khẩn trương đối với các tàu thuyền này”- ông Trần Quang Hoài đề nghị.


 

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới chiều 6-10. Ảnh: TTDBKTTVTW
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến 13 giờ chiều 6-10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện với 278.639 lao động biết thông tin áp thấp nhiệt đới. Qua nắm bắt cho thấy, có 235 tàu với 1.929 lao động hoạt động trong khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.


Về tàu vận tải, đến 12 giờ trưa ngày 6-10 có 512 tàu thuyền đang trong khu vực quản lý của các cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Bình Định, trong đó có 205 tàu biển và 307 phương tiện thủy nội địa. TP Đà Nẵng đã cấm biển từ 14 giờ chiều 5-10, Thừa Thiên - Huế cấm biển từ 14 giờ chiều nay 6-10.


Đợt này, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán 71.559 hộ với 290.671 người dân ở khu vực ven biển. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các địa phương đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện có 7.690 ca F0 tại 9 tỉnh, thành phố ở khu vực dự báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ. Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.


Gần 700 ngư dân tránh trú áp thấp nhiệt đới trên đảo Trường Sa

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, tính đến 17 giờ chiều 6-10, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 quản lý, vận hành ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đón 24 lượt tàu với gần 700 ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận vào tránh trú áp thấp nhiệt đới.


Nhân viên Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn giúp ngư dân gia cố dây buộc

Trước tình hình diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, các âu tàu và làng chài trên huyện đảo Trường Sa đang phối hợp với các lực lượng trên các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le triển khai đồng bộ, chặt chẽ các phương án đề phòng áp thấp nhiệt đới; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các tàu cá hoạt động trong khu vực kịp thời vào neo đậu tại các âu tàu, lòng hồ, đảm bảo an toàn. Chuẩn bị chu đáo các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, sơ tán ngư dân khi có lệnh.

Hiện nay, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, khu vực huyện đảo Trường Sa gió đang mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, biển động mạnh.


Theo VĂN PHÚC - QUỐC HÙNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm