Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang |
Giai đoạn 2016-2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp ưu tiên dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng để cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn đến ngày 31-12-2022 đạt 5.988 tỷ đồng, tăng 2.863 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về là 4.837 tỷ đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất đạt 818 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác là 333 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 5.976 tỷ đồng với 148.121 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Kết quả, tỷ lệ nợ quá hạn đến ngày 31-12-2022 chiếm 0,08%/tổng dư nợ, giảm so năm 0,12% so với đầu năm 2016.
Cũng trong giai đoạn 2016-2022, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 90.760 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho 32.888 lao động, giúp 6.103 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, xây dựng 155.560 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 2.317 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xóa nhà ở dột nát, tạm bợ, ổn định cuộc sống... góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2017-2021 từ 19,71% xuống còn 3,96% theo tiêu chí cũ và từ 12,09% năm 2021 xuống còn 10,06% cuối năm 2022 theo tiêu chí mới, 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 6-1-2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 2059/KH-UBND ngày 13-9-2022 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND đã giao Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh bảo đảm đủ nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng cho vay của các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi đang thực hiện. Bổ sung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện ủy thác cho Ngân hàng CSXH cho vay tín dụng chính sách. Tăng cường sự phối hợp, cung cấp thông tin danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giữa Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cho vay đúng đối tượng. Đồng thời, đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn; nâng cao vai trò của cấp chính quyền cấp xã trong phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH hướng dẫn hộ được vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích và công tác quản lý, thu hồi vốn vay.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tham gia ý kiến về một số vấn đề như: UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần làm rõ những bất cập ở cơ sở về những khó khăn, vướng mắc; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; số liệu cần cụ thể từng chương trình của từng địa phương; nguồn ngân sách các địa phương cần ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bổ sung số hộ là người dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn, giải pháp triển khai cho các đối tượng này như thế nào trong thời gian đến...
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang |
Làm việc với đoàn giám sát, UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị: Đối với cấp ủy Đảng, HĐND tỉnh, huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kết luận số 869-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đưa hoạt động tín dụng ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng mức cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Cùng với đó, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát theo những nội dung văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác đã ký kết, nhất là kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, vốn vay sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đánh giá cao UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đã bám sát các quy định của cấp trên, đảm bảo việc ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng CSXH thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát, kiểm tra thông qua các tổ chức đoàn thể làm tương đối trách nhiệm. Nhiều hộ được vay vốn có ý thức trong phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần tập trung nguồn vốn ủy thác quan tâm ưu tiên cho vay các chương trình giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo, hộ gia đình chính sách, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xóa nhà ở dột nát, tạm bợ, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích vốn vay và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn.