25 giường bệnh cho 10.000 dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc giảm quá tải bệnh viện sẽ được thực hiện từng bước, trước mắt là ở khu phòng khám bệnh và khu điều trị nội trú của các bệnh viện tuyến Trung ương, tập trung vào các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch và sản - nhi.
 

Bệnh viện Ung bướu TP. HCM quá tải trầm trọng, bệnh nhân phải nằm gầm giường điều trị.

Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố trong Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tải bệnh viện, vào ngày 25-3.

Mục tiêu được đặt ra là giảm công suất giường bệnh từ 120% xuống dưới 100% tại các bệnh viện tuyến cuối (ở Hà Nội và TP. HCM) của các chuyên khoa hiện đang quá tải này.

“Cơ bản, ngành y tế sẽ khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015 và phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Theo đó, các biện pháp được Bộ Y tế áp dụng là: thành lập thêm các bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện chuyên khoa đang quá tải; nâng cao công suất sử dụng giường bệnh ở bệnh viện tuyến dưới (nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh đạt 60% năm 2015 và 80% năm 2020); cải tiến quy trình để giảm thời gian và việc bệnh nhân phải “chạy lòng vòng” khi khám bệnh...

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối ở Hà Nội và TP. HCM quá tải đến trên 260%.

Phó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết bệnh không lây nhiễm hiện là bệnh hàng đầu gây quá tải bệnh viện.

Hiện nay, ở nước ta số lượng giường thực kê là 24,7 giường bệnh cho 10.000 dân.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm