"3 giúp" để hội viên cựu chiến binh ở Gia Lai thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là giúp công sức, giúp vốn và giúp việc làm nhằm tạo động lực để hội viên cựu chiến binh (CCB) vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chủ tịch Hội CCB tỉnh Gia Lai Nay Hứ khẳng định: Cái hay của phong trào là không chỉ các cấp Hội giúp đỡ hội viên mà chính hội viên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau tùy vào khả năng. Hội viên có điều kiện kinh tế khá giả có thể giúp vốn vay, giải quyết việc làm; hội viên có kiến thức, kỹ thuật thì hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hội viên khó khăn có thể tham gia ngày công lao động.

Bên cạnh nguồn vốn nhận ủy thác với ngân hàng để tạo điều kiện cho hội viên vay phát triển kinh tế, hàng năm, các cấp Hội CCB đều xây dựng, duy trì quỹ nội bộ. Các cấp Hội đã thành lập Câu lạc bộ “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” chú trọng xây dựng quỹ câu lạc bộ để hỗ trợ lẫn nhau và giúp hội viên khó khăn.

Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai do CCB Lê Văn Khánh làm Giám đốc giải quyết việc làm cho 60 lao động tại địa phương. Ảnh: Phương Dung


Đến nay, quỹ nội bộ của Hội CCB các cấp duy trì bình quân 1,2 triệu đồng/hội viên và quỹ Câu lạc bộ “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” đạt gần 3 triệu đồng/hội viên. Ông Nguyễn Hồng Thái-Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Đại An 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh)-cho biết: “Chi hội có 11 hội viên với nguồn quỹ hiện có là 220 triệu đồng (bình quân 20 triệu đồng/hội viên). 4 hội viên đang vay vốn từ quỹ, người ít là 30 triệu đồng, nhiều là 80 triệu đồng. Thời gian vay 3 năm, lãi suất bằng hoặc thấp hơn lãi suất ngân hàng, không rườm rà hồ sơ thủ tục nên hội viên được vay rất phấn khởi”. Cũng theo ông Thái, số tiền lãi hàng năm, chi hội trích 1 phần để động viên, thăm hỏi những hoàn cảnh khó khăn và liên hoan tổng kết cuối năm, phần còn lại cộng vào tiền gốc của hội viên để tiếp tục xoay vòng hỗ trợ. Vì vậy, quỹ nội bộ của Chi hội tăng lên từng năm.

Mặt khác, căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều cơ sở Hội triển khai và duy trì các mô hình giúp đỡ hội viên, như: “10+1” (10 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên nghèo); “Kho thóc nghĩa tình đồng đội”; “Nuôi bò sinh sản”; “Rẫy CCB”; “Đàn bò nghĩa tình đồng đội”; kết nghĩa giữa chi hội thôn người Kinh với chi hội làng đồng bào dân tộc thiểu số...

Chia sẻ về mô hình “Kho thóc nghĩa tình đồng đội”, ông Phan Văn Kỳ-Chủ tịch Hội CCB xã Đak Trôi (huyện Mang Yang) thông tin: “Vào mùa thu hoạch, mỗi hội viên đóng góp từ 10 kg thóc trở lên vào kho của chi hội. 3/3 chi hội đều có kho thóc và mỗi kho duy trì khoảng 1 tấn thóc/năm. Số thóc này dùng vào việc chung của làng và cho hội viên vay trong thời gian giáp hạt hay lúc gặp khó khăn, hoạn nạn”.

Bên cạnh việc duy trì các kho thóc, Hội CCB xã còn duy trì hiệu quả mô hình “Rẫy CCB” để gây quỹ, mua bò giống hỗ trợ hội viên nghèo phát triển chăn nuôi. Từ quỹ đất trống của địa phương, Hội đã vận động hội viên tận dụng trồng 0,5 ha chuối và hơn 2 ha mì. “Vườn chuối đang phát triển tốt, năm tới sẽ cho thu hoạch. Diện tích mì cho thu 25-30 triệu đồng/năm, dùng làm quỹ chung. Từ nguồn quỹ này, Hội trích ra mua bò giống hỗ trợ hội viên khó khăn. Đến nay, “Đàn bò nghĩa tình đồng đội” có 7 con, luân phiên hỗ trợ cho hội viên khó khăn nuôi để cải thiện kinh tế”-ông Kỳ cho biết thêm.

Với những hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương và con em hội viên, họ còn sẵn sàng hỗ trợ cây-con giống cho hội viên. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 89 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 379 trang trại, 5.083 gia trại và 1.169 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ. Từ năm 2017 đến nay, các mô hình sản xuất kinh doanh của hội viên đã tạo việc làm cho gần 15 ngàn lượt hội viên, con em hội viên CCB và nhiều lao động tại chỗ. Điển hình như CCB Lê Văn Khánh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Khánh Gia Lai (xã Trang, huyện Đak Đoa) hàng năm tạo việc làm ổn định cho 40-60 lao động tại địa phương với mức thu nhập 7-11 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2020 đến nay, CCB Nguyễn Văn Thuận (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) đã hỗ trợ 4 cặp hươu giống (25-35 triệu đồng/cặp) cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nuôi, cải thiện thu nhập. Ông Thuận cho hay: “Kinh tế gia đình tôi khá giả hơn nhờ phát triển chăn nuôi hươu, nai. Tôi cũng muốn đóng góp cho địa phương và giúp những người xung quanh để nhân rộng mô hình. Nếu chăm sóc tốt, sau 18 tháng, hươu đực đã cho nhung, còn hươu cái trên 2 năm thì sinh sản. Cuối năm 2022, tôi hỗ trợ thêm 1 cặp hươu giống thông qua Câu lạc bộ “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” của huyện”.

Với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên CCB ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu tăng từ 35% (năm 2017) lên 37,35% (năm 2021) và tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm từ 7,4% (năm 2017) xuống còn 2,35% (năm 2021).

 

PHƯƠNG DUNG