Thời sự - Bình luận

3 tú tài ruộng dưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tin rất “đẹp” là 3 “thủ phạm” vụ phá ruộng dưa ở Nghệ An đều đã đỗ tốt nghiệp THPT.

 

Câu chuyện ruộng dưa bị phá ở Nghệ An giờ đây đã có một cái
Câu chuyện ruộng dưa bị phá ở Nghệ An giờ đây đã có một cái "quả" đẹp về sự nhân ái và tha thứ giữa con người với con người. Ảnh: BT



Dùng chữ “đẹp”, là bởi nhiều người đã thầm mong chờ thông tin này, như chờ một cái quả - không phải là quả dưa, mà là kết quả của một câu chuyện đẹp.

Chu Minh N, Nguyễn Đức P và Lê Trung H cùng ở Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu, Nghệ An là 3 trong số 5 thủ phạm của vụ phá hoại ruộng dưa gây xôn xao dư luận.

Chúng ta hẳn còn chưa quên hình ảnh cụ ông nằm sõng soài, khóc lăn lộn trên ruộng dưa bị “kẻ gian” phá đến không còn một quả.

Thủ phạm bị phát hiện rất nhanh: 5 “ông cháu”, trong đó có 3 là các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng sau khi gia đình những thanh thiếu niên này tới nhà cụ Tôn xin lỗi, nhận trách nhiệm và hứa giáo dục các cháu, ông cụ đã bằng lòng bãi nại.

Cái hôm mà chính quyền, công an cho phép 3 “đứa” được về nhà để đi thi ấy, chúng ta đã nhìn thấy cái “được”, nhìn thấy sự nhân ái, nhìn thấy cái lý cái tình - 2 yếu tố không thể tách rời của luật pháp. Cái hôm ấy, rất nhiều người và kể cả người dưng - đã chờ mong 3 cậu sẽ đỗ tốt nghiệp. Chỉ như một mong muốn trong sáng, một phản xạ lương thiện thôi. Rằng đó sẽ là một cái quả “đẹp”, như việc cả cộng đồng đã hùn vào ủng hộ “tiền dưa” cho cụ Tôn, như việc ông cụ viết đơn bãi nại. Một cái quả đẹp cho một câu chuyện bắt đầu từ những xấu xí, đáng chê trách.

Có câu danh ngôn rất hay, rằng: Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai.

Nguồn cơn của nó bắt nguồn từ câu chuyện 2 “kẻ trộm cừu”  bị khắc lên trán hai chữ “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ Stealer). Một người quá nhục nhã, bỏ xứ ra đi. Một người quyết ở lại sửa chữa những lỗi lầm để trở thành người có sự nghiệp, có danh tiếng về sự nhân hậu vì việc sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Dẫu vậy, hai chữ “ST” vẫn còn trên trán, bất chấp những việc làm tốt, bất chấp thời gian. Cho đến khi một người lạ mặt hỏi “cụ già trong làng” về ý nghĩa của hai chữ kia. Cụ già suy nghĩ rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào những điều anh ấy làm, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là thánh nhân (Saint)”.

N, P, H - những tú tài ruộng dưa, đừng quên những gì mình đã làm ở ruộng dưa, để không bao giờ vấp đúng chỗ mình đã ngã. Nhưng hãy lạc quan nhìn về tương lai, với những gì mình sẽ làm.

Ai cũng xứng đáng có một cơ hội để quay đầu.

Còn chúng ta, ai cũng đầy khiếm khuyết và sai lầm, hãy để chúng ta cũng tha thứ cho sai lầm và những điều nực cười của nhau.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/3-tu-tai-ruong-dua-1072903.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm