Không những bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến mà những nhân viên y tế tuyến đầu với nhiều áp lực trong công việc cũng cần có 'vắc xin tinh thần'.
Những bệnh nhân xuất viện về nhà trên chuyến xe thiện nguyện 0 đồng. Ảnh: Như Lịch |
Trong lúc đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM), chị C. bỗng nhận điện thoại từ bệnh viện khác gọi đến thông báo chồng chị đã mất. Chị C. buông điện thoại, nhìn bất động lên trần nhà. Có mặt tại thời điểm đó, tình nguyện viên Trương Thị Hồng Hà (tham vấn tâm lý) nắm tay chị C. thật chặt, làm chỗ dựa tinh thần cho chị C. trước cú sốc đột ngột này.
“Tôi buồn quá cô ơi !”
Gần hai tháng nay, chị Trương Thị Hồng Hà (học viên cao học tâm lý lâm sàng thuộc Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) làm tình nguyện viên tại Bệnh viện (BV) dã chiến số 12, với nhiệm vụ tham vấn tâm lý. Chị Hà được BV giao chiếc điện thoại mới kèm số hotline và danh sách hàng trăm thông tin cá nhân bệnh nhân gặp cơn khủng hoảng do Covid-19 mang lại như khó thở, tức ngực, đau bụng, tiêu chảy... Loại trừ các dấu hiệu sinh tồn, có thể những triệu chứng trên do nguyên nhân tâm lý. Vì vậy, hằng ngày chị Hà gọi điện (hoặc gặp trực tiếp) để hỏi thăm, trấn an tinh thần giúp bệnh nhân vượt qua cơn khủng hoảng. Với những ca khó, các bác sĩ đội lâm sàng và đội cấp cứu sẽ ghi chú và chuyển đến chị Hà để có sự tham vấn tâm lý riêng.
Cố lên để khỏe, để về nhà ! Có những ngày ông H. (Q.8) bất hợp tác điều trị, luôn miệng đòi “về chết ở nhà”. Ông H. than: “Chú đã trải qua biết bao nhiêu thứ trong đời. Đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, sốt rét sốt gì cũng vượt qua hết. Nhưng con vi rút này nó ghê quá, nó làm cho chú nằm xẹp lép, mất hết hy vọng như vậy nè”. Nhờ những y bác sĩ, tình nguyện viên và nhất là chị Hà thường xuyên động viên tinh thần, ông H. có những chuyển biến tích cực. Ông tự hô hào: “Cố lên! Cố lên để khỏe, để về nhà! Không được gục ngã”. Hiện ông H. đã được xuất viện. Chị K.L (Q.Bình Tân) cũng từng trải qua những ngày khủng hoảng, liên tục nằm ở phòng cấp cứu. Chị lo lắng, sợ và khóc khi vợ chồng chị điều trị tại BV dã chiến số 12, trong khi con trai duy nhất (9 tuổi) của anh chị lại phải điều trị một mình ở nơi khác. Đứa trẻ được 4 người xa lạ chăm sóc, sau đó cũng khỏi bệnh về nhà. Mừng rỡ khi được bình an đoàn tụ chồng con, chị K.L bày tỏ: “Những ngày sức khỏe và tinh thần tôi suy sụp, tôi được các y bác sĩ tận tình cứu chữa và chị Hồng Hà, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình làm tình nguyện viên trong đó động viên nâng đỡ”. |
Gần đây, chị Hà lên lầu 5 (lô F) thăm một nữ bệnh nhân 30 tuổi bị lo âu mất ngủ sau khi nhiễm Covid-19. Cô gái này cứ lặp đi lặp lại: “Em không ngủ được, bị trào ngược dạ dày. Ngày nào bác cũng nhớ gọi điện cho em nha”. Rồi cô muốn chị Hà ôm ba lần, nắm tay chị Hà thật chặt đưa lên ngực mình mong giảm bớt hoang mang. Chị Hà hướng dẫn cho cô gái các bài tập thở, thư giãn...
Trước đó, ngày 19.8, tôi theo chị Hà xuống phòng cấp cứu. Trong khi tôi đang lắp cái bô theo đề nghị của một bệnh nhân muốn đại tiện tại chỗ thì chị Hà đi tới, bảo: “Chú Q. kêu chị tới kìa!”. Tôi đến giường bệnh của ông Q. (49 tuổi, ngụ Q.8). Ông Q. khẩn khoản: “Tui chỉ có một mong ước là cứ 8 giờ tối, các cô các chú cho một người xuống đây nói chuyện với tui. Không cần đút cho tui ăn, chỉ cần nhắc cái ghế ngồi đó nói chuyện với tui là được rồi. Tui buồn quá cô ơi!”. À, hóa ra ông Q. tưởng tôi là “sếp” của chị Hà, nên xin ý kiến.
Được biết, vợ và con gái của ông Q. điều trị Covid-19 ở một BV khác và đã khỏi bệnh về nhà trước. Còn ở đây, ông Q. không có thân nhân chăm nuôi. Chị Hà và thầy Hoàng (tu sĩ Công giáo - tình nguyện viên) thay nhau chăm sóc, người trò chuyện an ủi, người đút cháo cho ông Q. ăn. Ông Q. bảo tôi: “Nếu không có hai đứa nó, chắc tui chết ba hôm nay rồi!”.
Ngay tối hôm đó, như đã hứa, chị Hà an ủi ông Q. từ 20 giờ đến gần nửa đêm mới trở lên. Ông Q. đề nghị chị Hà: “Con làm con gái chú nghe!”. Tuy nhiên, trưa hôm sau, ông Q. đột ngột trở bệnh nặng. Chúng tôi đều khóc vì hay tin ông Q. không qua khỏi khi được chuyển lên tuyến trên… Chị Hà day dứt: “Mình đã coi chú Q. như người thân, vậy mà... Giá như có sự gần gũi, cận kề chú thường xuyên hơn”.
Tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân |
Sang chấn tâm lý hậu Covid-19
Một trong những gia đình bị tổn thương tâm lý mà chị Hà tham vấn, đó là ba cha con ông T. (ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM). Cả nhà ông T. đều nhiễm Covid-19, sau đó người vợ mất ở BV khác. Sau những ngày suy sụp, ông T. được chị Hà và nhiều người động viên nên đã cai được máy thở và dần hồi phục. Chị Hà lên tận phòng thăm ba cha con, xoa dịu cháu bé 12 tuổi vẫn hay khóc nhớ mẹ…
Với trường hợp chị C. bị sốc khi nghe tin chồng đột ngột qua đời trên đây, chị Hà kiên nhẫn từng bước giúp chị C. vượt qua khủng hoảng tâm lý. Chị Hà cho hay sau khi xuất viện, chị C. vẫn trốn trên phòng và khóc nhiều, không dám xuống nhà do sợ nhìn thấy di ảnh của chồng, những kỷ niệm tràn về...
Chị Trương Thị Hồng Hà hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân |
“Tôi vẫn hỗ trợ tinh thần cho chị ấy, vì vượt qua sự tang chế cần một tiến trình hồi phục. Từ sự phủ nhận không tin đó là sự thật đến sự đau khổ, đau thương vật vã, tiếp theo đến giai đoạn đương đầu, chấp nhận sự thật, cuối cùng là vượt qua điều đó và chữa lành. Vai trò tâm lý là giúp họ trở lại cuộc sống bình thường nhất có thể”, chị Hà chia sẻ.
Chị Hà cho rằng một khi đội ngũ tham vấn tâm lý vào cuộc, bệnh nhân trong quá trình điều trị và sau khi xuất viện vẫn có thể được hỗ trợ tâm lý, trong đó có vấn đề sang chấn hậu Covid-19. Và không những bệnh nhân mà những nhân viên y tế tuyến đầu với nhiều áp lực trong công việc cũng cần có “vắc xin tinh thần”.
Chương trình “Vắc xin tinh thần” miễn phí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã ra mắt chương trình “Vắc xin tinh thần” hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại TP.HCM. Chương trình diễn ra từ tháng 9.2021 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy tình hình diễn tiến của đại dịch. Dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe tinh thần cho từng nhóm nhu cầu, chương trình có 3 nội dung hoạt động chính: Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; Tham vấn và trị liệu tâm lý; Hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19. Tổng đài tư vấn tâm lý miễn phí là 1022 hoặc 0987 111 801. Chương trình “Vắc xin tinh thần” cũng đang được triển khai tại các Bệnh viện dã chiến số 8, số 12... |
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (TNO)