3.500 trẻ em và vị thành niên thiệt mạng mỗi năm vì đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu khiến 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi thiệt mạng mỗi năm, tương đương khoảng 10 trẻ em  bị “hà bá” lấy đi tính mạng mỗi ngày.

Trẻ nhỏ bơi lội ở những nơi không an toàn làm gia tăng nguy cơ đuối nước
Trẻ nhỏ bơi lội ở những nơi không an toàn làm gia tăng nguy cơ đuối nước



Trước tình trạng gia tăng các vụ đuối nước ở trẻ em trong mùa hè, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, ở nước ta trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Đặc biệt, trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm, tương đương có khoảng 10 trẻ em bị “hà bà” lấy đi tính mạng mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, từ 5-9 tuổi chiếm 25% và nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ 26%.

Trước tình trạng gia tăng trẻ bị đuối nước, nhất là vào mùa hè, mùa mưa lũ, Bộ Y tế chỉ rõ người dân và cộng đồng cần giám sát kỹ trẻ khi đến những khu vực có nước, tránh trẻ bị tai nạn do đuối nước. Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, ao, hồ, sông, biển... thậm chí là hố nước của các công trình, hố trồng cao su hoặc dụng cụ chứa nước.

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ; làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước; đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy); giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm