Phóng sự - Ký sự

40 năm, nước mắt mẹ vẫn rơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã 40 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Cảnh Mai - nguyên Xã đội phó xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) - vẫn ám ảnh những nỗi đau thương kinh hoàng của ngày định mệnh 3.1.1978, thời khắc xảy ra vụ tai nạn sập mái taluy tại công trường thủy lợi cống Hiệp Hòa làm 102 người chết. Tất cả đều là nam thanh, nữ tú tuổi mười tám, đôi mươi, vừa rời cây bút, hăng hái tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Đau quá!

Ông Nguyễn Cảnh Mai liên tục lặp lại câu này. Miệng ông móm mém, mặt đầy nếp nhăn đen sạm nắng gió. Theo ông Mai, nhà ông lúc ấy gần sát ngay công trường cống Hiệp Hòa. Đây là công trình thủy lợi cũ có từ thời Pháp thuộc, sau bị bom Mỹ làm hư hại một phần. Nhà nước lúc ấy có chủ trương làm thêm 1 cống nữa, để nâng cao năng suất tưới tiêu cho đồng ruộng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành.

 

Bà Nguyễn Thị Tý (xóm 9A, xã Cát Văn) khóc nhớ thương con gái Nguyễn Thị Thanh đã hy sinh.
Bà Nguyễn Thị Tý (xóm 9A, xã Cát Văn) khóc nhớ thương con gái Nguyễn Thị Thanh đã hy sinh.

Lúc đó, đất nước thống nhất được 2 năm, hàng nghìn thanh niên các địa phương hăng hái sẵn sàng tham gia xây dựng các công trình thủy lợi. Khu vực xây dựng cống Hiệp Hòa trở thành đại công trường đông vui, có cả văn công trung ương về hát cổ vũ. Để chạy đua với thời gian, các đội được phân công thay ca kíp làm thông tầm 24/24 giờ. Ban đêm, điện thắp sáng như sao.

Tuy nhiên, do sơ suất trong khâu thiết kế và tính toán, tai nạn kinh hoàng đã xảy ra vào 11 giờ 55 phút ngày 3.1.1978 (tức ngày 24.11 Đinh Tỵ), do cống phía dưới quá tải, bị sụp, hàng ngàn mét khối đất đá trôi xuống, vùi lấp hàng trăm người đang mải mê lao động.

“Lúc đó, tôi nghe 1 tiếng động long trời lở đất, cùng theo đó là tiếng la hét, cầu cứu. Tôi vội chạy ra, và không tin nổi vào mắt mình khi thấy cảnh tượng trước mặt. Hàng chục mét taluy đất đá trôi tuột xuống, vùi lấp hàng trăm người. Có những người tôi còn thấy đất lút cổ, hoảng hốt kêu cứu, một lúc sau đã bị vùi lấp. Đau xót quá, thấy họ chết trước mắt mà không sao cứu được” - ông Mai nhớ lại.

Còn ông Thái Đình Hiền- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn - lúc vụ tai nạn xảy ra, mới là học sinh cấp 3. “Lúc đó, tôi có chạy lên xem, thấy cảnh tượng đất đá ngổn ngang, hàng nghìn người được huy động để đào bới đất, cứu người” - ông Hiền kể.

Vì vị trí thi công bùn lầy, nên việc đào bới tìm người chỉ bằng thủ công, sau có hơn 1 đại đội bộ đội được huy động cùng tham gia. “Phải 3 ngày, việc đào bới mới chấm dứt, sau khi rà soát không còn sót người nào” - ông Nguyễn Cảnh Mai nhớ lại.

 

Phần mộ 11 thanh niên được xã Thanh Liên quy tập.
Phần mộ 11 thanh niên được xã Thanh Liên quy tập.

Ám ảnh khôn nguôi

Bà Nguyễn Thị Hương (SN 1962, xóm 11, xã Cát Văn), nhớ lại: “Lúc đó, tôi vừa học xong lớp 7 (hệ 10 năm), được lấy đi làm các công trình thủy lợi. Lúc đó vui nên ai cũng hăng hái đi, không suy nghĩ gì về quyền lợi. Mỗi đợt đi vài ba tháng, dụng cụ lao động tự túc. Chúng tôi vừa làm ở kênh Vách Bắc (Yên Thành), được điều động về Hiệp Hòa, cùng nhiều bạn trong xóm, làng”.

Về vụ tai nạn, bà Hương nhớ lại, lúc đó đã gần giờ nghỉ ăn trưa, anh chị em cố làm thêm khoảng 15 phút nữa, thì xảy ra vụ sập taluy. Bà Hương đang làm, nghe ầm 1 tiếng, rồi bị đất đá vùi lấp cùng rất nhiều người. Bà được moi lên 1 lúc thì ngất đi, tỉnh dậy thì thấy nằm ở bệnh viện. “Tôi dù bị thương nhưng thoát chết, nay có chồng, có con, còn các bạn bị hi sinh, tôi thấy quá thiệt thòi, cha mẹ các bạn cũng vậy”- bà Hương ngậm ngùi.

Từ trước đến nay, có số liệu cho rằng, vụ tai nạn tại cống Hiệp Hòa làm 98 người chết, 132 người bị thương, nhưng ông Nguyễn Cảnh Mai - người trực tiếp tham gia lực lượng ứng cứu lúc đó - khẳng định có 102 người chết. “Vì lúc đó, chúng tôi xác nhận con số qua báo cáo của các xã. Con số 98 người chết là chưa tính người của huyện Đô Lương”.

Trong số 102 người chết hôm đó, gần 100 người là dân huyện Thanh Chương, trong đó xã Cát Văn nhiều nhất, lên tới 37 người. Bà Nguyễn Thị Tý (81 tuổi, xóm 9A, xã Cát Văn) nghẹn ngào khi nhớ về người con Nguyễn Thị Thanh (SN 1957), đã mất trong vụ tai nạn. “Thanh là con đầu của vợ chồng tôi. Sau nó còn 5 em nữa. Bố đi bộ đội, nhà đông em, nó tần tảo, siêng năng lắm. Thanh cũng rất chăm học, năng nổ trong hoạt động đoàn, đội. Lúc đó, nó chưa đủ tuổi nhưng cũng xung phong đi”- bà Tý kể. Trước khi mất 1 ngày, Thanh rủ bạn là Nguyễn Thị Tài cùng xóm về chơi, nói: “Mẹ yên tâm, bọn con chuẩn bị có quần áo được nhà nước phát rồi”. Bà Tý có ngờ đâu, đó là lời nói cuối cùng của con gái.

Trên khuôn mặt già nua của bà Nguyễn Thị Phấn (85 tuổi, xóm 11, Cát Văn), những giọt nước mắt hiếm hoi lại chảy, khi nhắc nhớ về đứa con gái đầu, chị Nguyễn Thị Điều, đã mất tại cống Hiệp Hòa. Lúc chị Điều mất, sợ bố mẹ đau buồn không chịu được, chị em ông Nguyễn Nhật Toàn bàn cách giấu bố mẹ, để cho nguôi ngoai rồi mới thông báo. Trên bàn thờ gia đình, di ảnh chị Điều trẻ trung, xinh xắn với nụ cười tươi mãi tuổi 20.

 

Ông Nguyễn Nhật Toàn, xã Cát Văn và di ảnh chị gái Nguyễn Thị Điều, hi sinh năm 20 tuổi.
Ông Nguyễn Nhật Toàn, xã Cát Văn và di ảnh chị gái Nguyễn Thị Điều, hi sinh năm 20 tuổi.

Không một tấm bia

Trong 37 thanh niên xã Cát Văn đã hi sinh, nay chỉ còn lại 15 người còn cha hoặc mẹ, 22 người khác, bố mẹ đã qua đời. Xã Thanh Liên có 11 thanh niên chết, nay chỉ còn lại vài người còn cha mẹ, cũng đều đã trên 80 tuổi, gần đất xa trời.

Nỗi tiếc nuối khôn nguôi của bà Nguyễn Thị Sỹ (86 tuổi, xã Thanh Liên), là tấm di ảnh của con gái Hồ Thị Huệ (SN 1959), đã bị nước vào làm hỏng mất. “Huệ lúc đó hiền lành, xinh gái lắm, ai cũng thích. Nó đã có hứa hẹn với 1 người bộ đội, rằng chờ đợi để kết hôn. Ai ngờ nó vắn số” - bà Sỹ buồn bã. Trước lúc mất 1 ngày, chị Huệ có về thăm mẹ, ở với mẹ 1 ngày, hôm sau trở lại công trường rồi mất.

3 năm sau khi sự việc xảy ra, mỗi gia đình được cấp 1 tấm giấy “Ghi công”, với nội dung: “UBND tỉnh Nghệ Tĩnh. Ghi công. Đồng chí… đã hi sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3.1.1978”, do Chủ tịch Nguyễn Quang Đạt ký ngày 29.1.1980. Sau đó, bố mẹ mỗi người hi sinh được hưởng chế độ trợ cấp dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, sau nhiều lần tăng, đến nay được 540 nghìn/tháng.

“Theo văn bản nhà nước thì không có, đây là sự vận dụng của địa phương, bọn em gọi là chế độ Hiệp Hòa” - một cán bộ chính sách xã Cát Văn giải thích. “Con chúng tôi hi sinh vì đất nước, mà bố mẹ lại hưởng chế độ như trợ cấp cho người tàn tật”- ông Nguyễn Đức Thị chua chát. Lãnh đạo xã Cát Văn, Thanh Liên… cho biết, đã có rất nhiều lần đề xuất, kiến nghị giải quyết chế độ chính sách cho những người đã hi sinh, song tất cả vẫn rơi vào im lặng.

Sau 40 năm vụ tai nạn kinh hoàng, chúng tôi cùng trở lại hiện trường với ông Nguyễn Cảnh Mai - nguyên Xã đội phó năm xưa - và ông Thái Đình Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn - cũng là 1 nhân chứng sống. Con kênh nước vẫn hiền hòa chảy, tưới mát cho hàng nghìn ha ruộng đồng 4 huyện, 2 bên bờ kênh dựng đứng.

Ông Mai chỉ vào bờ kênh đá nham nhở, nơi cách đây 40 năm đã vùi lấp 102 thanh niên phơi phới tuổi xuân. Cạnh vách núi nơi quy tập thi hài năm xưa, 1 người dân đã cảm thương, dựng ngôi miếu nhỏ, để người qua lại thắp nén hương tưởng nhớ các anh chị. Ông Mai ngậm ngùi: “Những thanh niên này xứng đáng là liệt sỹ, vì đã hi sinh vì đất nước. Mong lắm có 1 tấm bia tưởng niệm, ghi công họ, dựng lên ở nơi đây”.

Hiện, phần mộ của hơn 100 thanh niên, hầu hết đã được chôn cất tại các nghĩa trang gia đình, dòng họ. Chúng tôi có chút ấm lòng, khi đến xã Thanh Liên, chứng kiến 11 ngôi mộ của thanh niên hi sinh tại cống Hiệp Hòa năm xưa, được quy tập tại sườn đồi, có khuôn viên, có trụ bia với dòng chữ “Ghi công”. Các ngôi mộ được xây ốp đá đàng hoàng, được giao cho Trường Tiểu học chăm sóc. Trước 10 mộ của nữ giới, có gương lược, 1 ngôi mộ nam duy nhất có thêm bàn cạo râu. Thắp nén hương cháy trong gió chiều xào xạc, ông Đinh Viết Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liên - thầm thì: “Những người đã hi sinh vì đất nước, dù trong chiến đấu hay dựng xây, cũng đều xứng đáng liệt sĩ”.

Quang Đại-Lam Chi/laodong

Có thể bạn quan tâm