(GLO)- Mới đó mà đã 44 năm ngày non sông liền một mối (30/4/1975-30/4/2019). Những ai sinh ra, lớn lên, bước qua thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng, chấm dứt cuộc chiến kéo dài ròng rã 21 năm, hàng chục triệu người dân chịu cảnh trên bom dưới đạn, con xa cha, vợ lìa chồng, mới thấu hiểu giá trị thiêng liêng hai tiếng “hòa bình” mang lại.
Bây giờ, nhiều người trẻ thụ hưởng cuộc sống yên bình, thụ hưởng thành quả của bao máu xương cha anh mang lại, xem giá trị của hòa bình chúng ta có được hôm nay như chuyện cơm ăn nước uống, quá đỗi bình thường. Bây giờ bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, muốn là chúng ta đến được; ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè bất kỳ đâu trên thế giới này, cần là chúng ta có mặt, không bị cấm đoán, ngăn trở. Dọc dài một dải đất nước yêu thương Tổ quốc Việt Nam đều thống nhất mọi luật lệ, mọi hoạt động. Ngược dòng lịch sử 44 năm trước, khi đất nước bị chia cắt 2 miền, hoặc hàng trăm năm trước nữa, khi thực dân Pháp đô hộ, phân chia đất nước thành nhiều “kỳ”, nhiều vùng, tạo tâm lý đố kỵ dân tộc, chia rẽ vùng miền. Vì thế, năm 1946, Bác Hồ dõng dạc khẳng định với toàn đất nước và thế giới: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”. (Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku).
Quay ngược thời gian mới thấy hết giá trị to lớn của hòa bình, thống nhất, tự do, độc lập mà Đảng ta đã quyết tâm giành lấy cho đất nước. Ngày 30-4-1975 từ đó mãi mãi ghi dấu vào lịch sử dân tộc mốc son chói lọi, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ngày này 44 năm trước mở ra cho Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng bước ngoặt vô cùng to lớn. Đời sống mọi mặt, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh-quốc phòng… đều thay đổi nhanh chóng. Cái đói, cái rét, ốm đau, dịch bệnh được đẩy lùi. Dân trí, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nâng cao. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ nghèo nàn, lạc hậu nhanh chóng tiếp cận và bắt kịp với tiến bộ, văn minh nhân loại. Người dân Gia Lai trước ngày 30-4-1975 hầu hết nghèo đói, mù chữ thì nay đa phần đủ ăn, đủ mặc; tất cả con em đều được học hành. 99% buôn làng “có điện thay sao”, có ti vi, sóng điện thoại.
Thành quả mà đồng bào các dân tộc trong tỉnh có được hôm nay càng khẳng định thêm ý nghĩa to lớn của ngày 30-4 lịch sử. Đâu đó trên trái đất này, vẫn còn bom rơi, đạn nổ, vẫn xung đột tôn giáo, sắc tộc… làm cho chúng ta càng thấy được giá trị của sự bình yên, an ninh, an toàn mà Đảng, Nhà nước ta ra sức xây dựng, bảo vệ. Trên nền tảng bình yên ấy, mỗi một người ra sức lao động, nỗ lực làm việc, mưu cầu hạnh phúc, chắc chắn tương lai sẽ được đền đáp.
BÁO GIA LAI