Kinh tế

Tài chính

Agribank Đông Gia Lai: Phát huy vai trò tổ vay vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như năm 2016, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Đông Gia Lai (Agribank Đông Gia Lai) chỉ có 242 tổ vay vốn với 5.421 thành viên thì đến cuối năm 2020 đã có 913 tổ với 19.260 thành viên. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Agribank Đông Gia Lai với các hội, đoàn thể đã thực sự phát huy hiệu quả chính sách tín dụng “tam nông”.  

Agribank Đông Gia Lai hiện có gần 40.000 khách hàng cá nhân và hộ gia đình, bình quân 1 cán bộ tín dụng quản lý tới 400 khách hàng. Nếu xét như thế thì khối lượng công việc của giao dịch viên gần như quá tải. Từ năm 2016 đến nay, Agribank Đông Gia Lai phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức cho vay qua tổ vay vốn. Điều này vừa giảm áp lực công việc, vừa nâng cao năng suất, chất lượng tín dụng thông qua các tổ vay vốn. Ông Trần Văn Can-Tổ trưởng tổ vay vốn Hội Nông dân thôn An Thượng 2 (xã Song An, thị xã An Khê) chia sẻ: “Hàng tháng, thành viên trong tổ ai có nhu cầu vay vốn thì đề xuất với tổ trưởng đăng ký. Tổ trưởng xem xét hộ vay để thông tin kịp thời cho cán bộ tín dụng thẩm định, giải ngân. Qua sinh hoạt tổ, bà con cũng góp ý kiến về công tác thẩm định cho vay của cán bộ tín dụng có kịp thời hay không”.

Agribank Đông Gia Lai đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 phấn đấu đưa toàn bộ hộ vay đến 200 triệu đồng có đủ điều kiện vào tổ vay vốn. Ảnh: Sơn Ca


Từ khi tham gia tổ vay vốn Hội Phụ nữ, bà Võ Thị Xuân Kiều (thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê) nhận thấy việc tiếp cận vốn vay ngân hàng rất dễ dàng, thuận lợi. “Từ năm 2016, tôi tham gia tổ vay vốn và được cán bộ tín dụng cũng như tổ trưởng hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay vốn, tư vấn cách thức sử dụng vốn có hiệu quả”-bà Kiều bày tỏ. Từ nguồn vốn vay của Agribank, gia đình bà Kiều đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và trồng mía. Nhờ biết tính toán, đến nay, gia đình bà có 8 con bò và 2 ha mía.

Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân qua tổ vay vốn và thực hiện ủy thác cho tổ trưởng thu lãi được Agribank Đông Gia Lai đánh giá là phương thức chuyển tải vốn hiệu quả. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu thay đổi phương thức quản lý tín dụng gắn với phát triển dịch vụ, mở rộng cho vay theo hạn mức tín dụng quy mô nhỏ đối với hộ vay đến 300 triệu đồng. Bà Lê Thị Xuân Trang-Trưởng phòng Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân (Agribank Đông Gia Lai) cho biết: “Việc triển khai cho vay qua tổ vay vốn thực hiện theo lộ trình cụ thể, từ thí điểm mỗi cán bộ tín dụng triển khai một tổ ủy thác cho tổ trưởng thu lãi vay. Qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai tiếp theo với một số yêu cầu cụ thể. Mặt khác, tuân thủ quy trình thành lập tổ vay vốn, từ thực hiện báo cáo chủ trương với Đảng ủy, UBND cấp xã, hội, đoàn thể đến phổ biến thông tin tới từng thôn làng, từng thành viên”.

Nếu như năm 2016 chỉ có 242 tổ/5.421 thành viên với tổng dư nợ 247,6 tỷ đồng thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên 913 tổ/19.260 thành viên với tổng dư nợ 1.905 tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ cho vay qua tổ từ 3,6% năm 2016 tăng lên 17% năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu cho vay qua tổ thấp hơn so với cho vay thông thường. Để đạt được thành công này, các hội, đoàn thể là nhân tố quan trọng, tích cực trong thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa hai bên. Theo đó, cho vay qua tổ do Hội Nông dân quản lý dư nợ 1.363 tỷ đồng, 408 tổ với 13.247 thành viên. Hội Phụ nữ quản lý dư nợ 266 tỷ đồng, 74 tổ với 2.338 thành viên. Công đoàn cơ quan, đơn vị quản lý dư nợ 264,9 tỷ đồng, 428 tổ với 3.565 thành viên. Cho vay qua tổ khác do UBND xã, Đoàn Thanh niên quản lý dư nợ 11,2 tỷ đồng, 3 tổ với 110 thành viên. Số tổ vay vốn đã hoàn thành ủy thác cho tổ trưởng thu lãi là 474 tổ, 15.531 thành viên với dư nợ 1.624 tỷ đồng.

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-đánh giá: “Thời gian qua, Hội Nông dân và Agribank Đông Gia Lai phối hợp thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng “tam nông”, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nông dân. Việc phối hợp cho vay qua tổ nhằm đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngày càng có nhiều nông dân được tiếp cận vốn ngân hàng. Thông qua mô hình tổ vay vốn, hoạt động Hội và phong trào nông dân có nội dung phong phú, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cách thức sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả”.

Chia sẻ với P.V, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-khẳng định: “Thông qua việc đẩy mạnh cho vay qua tổ, Agribank đã đưa nguồn vốn ngân hàng đến với địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đây là bước chuyển quan trọng trong việc xã hội hóa công tác ngân hàng, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và Agribank trong thực hiện chính sách “tam nông”. Mặt khác, đây cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen” ở địa bàn nông thôn”. Cũng theo ông Thu, đến cuối năm 2021, Agribank Đông Gia Lai phấn đấu đưa toàn bộ hộ vay đến 200 triệu đồng có đủ điều kiện vào tổ. Chi nhánh từng bước mở rộng 50% hộ vay từ trên 200-300 triệu đồng và phấn đấu đưa toàn bộ hộ vay dư nợ đến 300 triệu đồng theo hạn mức quy mô nhỏ, đủ điều kiện vào tổ vay vốn ở các năm sau.

 

  SƠN CA

Có thể bạn quan tâm