Bạn đọc

Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng loạt điểm kinh doanh xăng dầu gian dối bị phát hiện, xử phạt, thậm chí rút giấy phép song tình trạng “móc túi” khách hàng của các cây xăng trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bao giờ người dân thôi bị các cây xăng “móc túi” dường như vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Thi nhau “móc túi” khách hàng

Sáng 15-8, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất cây xăng của Đại lý bán lẻ xăng dầu-DNTN Thương mại Trung Đức (số 216 đường Trường Sơn, phường Yên Thế, TP. Pleiku). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cột xăng RON 92 có sai số lên đến +6,5%, trong khi quy định đo lường chỉ cho phép sai số là +-0,5%.

 

Ảnh: Lê Anh

Chưa có con số cụ thể về số tiền cây xăng này “móc túi” của khách hàng thời gian qua nhưng chỉ tính riêng tháng 7-2013, với hơn 30 ngàn lít xăng đã bán ra bên ngoài khi sai số vượt 6% so với quy định, cây xăng này đã “ăn chặn” của khách hàng khoảng 1.800 lít xăng (tương đương trên 44 triệu đồng theo giá xăng hiện nay).

Việc cây xăng “móc túi” khách hàng như đã phát hiện tại cây xăng của Đại lý bán lẻ xăng dầu-DNTN Thương mại Trung Đức không phải là chuyện ít gặp, nếu không muốn nói là khá nhiều ở tỉnh ta. Cụ thể, vào ngày 9-4-2013, từ tin báo của người dân, Đội Quản lý thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp Phòng PC46 (Công an tỉnh) và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh đột xuất kiểm tra Đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Đức Sang (thôn 3, xã Ia Pia, huyện Chư Prông).

 

Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, một người từng mở cây xăng xin giấu tên cho biết, việc “ăn bớt” lượng xăng đổ cho khách hàng rất đơn giản. Chỉ cần mua một con chip điện tử đã cài sẵn chương trình, có hệ thống dây dẫn, đầu nối... với giá vài trăm ngàn đồng trên thị trường đem về gắn vào hệ thống bo mạch điều khiển của cột bơm xăng là có thể thoải mái điều chỉnh sai số theo ý mình. Con chip này khá nhỏ gọn, được gắn vào bên trong cột bơm xăng nên nếu không kiểm tra kỹ, cơ quan chức năng khó phát hiện được. Để đối phó với cơ quan chức năng trong những lần kiểm tra định kỳ, chủ cây xăng chỉ cần tháo con chip cất đi là xong.

Qua đó, đoàn kiểm tra xác định, chủ doanh nghiệp đã cố tình thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện thông qua việc đóng ngắt nguồn điện để điều chỉnh sai số của phương tiện vượt lên +4,18%. Sau đó, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với số tiền 30 triệu đồng; tịch thu một cột đo nhiên liệu điện tử xăng RON 92, giấy chứng nhận kiểm định; đồng thời tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và truy thu số tiền thu lời bất chính 8.209.000 đồng.

Đến ngày 4-7-2013, Đội Quản lý thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý thị trường lại phát hiện cột bơm xăng RON 92 tại cây xăng của DNTN Trí Tiên (làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) có sai số +2,6% với thủ đoạn đóng ngắt nguồn điện để điều chỉnh sai số của phương tiện. Kiểm tra hồ sơ bán hàng, đoàn kiểm tra xác định, chỉ trong hơn 3 tháng (từ ngày 2-4 đến ngày 4-7), cửa hàng này đã “móc túi” khách hàng số tiền gần 27 triệu đồng.

Trước đó, từ năm 2008 đến năm 2012, hàng loạt vụ gian lận tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Trong bản danh sách 33 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc 13 tỉnh, thành bị Bộ Công thương yêu cầu rút giấy phép kinh doanh vì “móc túi” khách hàng năm 2013, riêng Gia Lai đã có 7 cửa hàng ở các huyện: Mang Yang, Kông Chro, Ia Grai, Chư Sê và thị xã An Khê.

Năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở kinh doanh xăng dầu bị đề nghị thu hồi giấy phép, trong đó có những cơ sở như cây xăng thuộc Công ty cổ phần sản xuất xây dựng và thương mại 25 (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) qua kiểm tra sai số lên đến 7,75%. Đến năm 2012, trong một đợt kiểm tra kéo dài gần 2 tháng tại 29 cơ sở kinh doanh xăng dầu, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện đến 12 cơ sở có hành vi gian lận (tương đương 41%).

Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Việc cây xăng của Đại lý bán lẻ xăng dầu-DNTN Thương mại Trung Đức “móc túi” khách hàng bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang ngay sau khi được báo Gia Lai đăng tải đã lập tức trở thành một điểm nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Trên một trang mạng xã hội, thông tin chia sẻ từ Báo Gia Lai chỉ sau 16 giờ đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi.

Đa phần các ý kiến đó bày tỏ sự bức xúc trước kiểu làm ăn gian dối của chủ cây xăng và đề nghị cơ quan chức năng phải đóng cửa vĩnh viễn cây xăng này. Nhiều cây xăng có dấu hiệu “móc túi” khách hàng cũng được các thành viên trang mạng xã hội này chia sẻ với nhau để phòng, tránh bị “ăn chặn”.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến trên trang mạng này cũng bày tỏ sự bi quan trước khả năng xử lý dứt điểm nạn “móc túi” khách hàng của các cây xăng.  Sự bi quan của người tiêu dùng ở góc độ nào đó không phải không có lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc kiểm định các cây xăng trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Còn việc kiểm tra hoạt động của các cây xăng do cơ quan chức năng lập đoàn và chủ trì hoặc đoàn liên ngành của tỉnh do Ban chỉ đạo 127 tỉnh thành lập với sự tham gia của các lực lượng Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Công an...

Các huyện, thị xã, thành phố cũng được quyền thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Thế nhưng không hiểu sao, với một hệ thống kiểm tra, giám sát hùng hậu, đầy đủ như thế nhưng tình trạng các cơ sở kinh doanh xăng dầu ngang nhiên “móc túi” người dân vẫn có đất tồn tại?

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm