Xã hội

Từ thiện

Ấm lòng Tết tha hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tết là đoàn viên, là đầm ấm sum họp song vẫn có những người vì hoàn cảnh khó khăn mà phải đón Tết xa quê. Dù vậy, tình người hiển hiện khiến họ cũng cảm thấy ấm lòng.
Chiều 14-1, hàng chục chiếc xe đạp, xe máy cũ kỹ tập trung về Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku như một “sự kiện”. Chúng là phương tiện kiếm sống của những người từ nhiều địa phương khác nhau đến Phố núi lam lũ mưu sinh với nghề mua bán ve chai, chạy xe ôm, bán vé số… Họ đến để nhận món quà nhỏ mà ý nghĩa từ chương trình thiện nguyện “Ấm áp mùa xuân” do Câu lạc bộ guitar Thầy và Trò phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức.  
Gia Lai là nơi tập trung người dân nhiều nơi đến sinh sống, trong đó có một bộ phận lao động phổ thông. Chưa có thống kê đầy đủ con số này nhưng chắc chắn là không nhỏ. Và trong số 137 hộ được tặng quà chiều 14-1, nhiều người không có điều kiện về quê đón Tết cũng bởi vì túng thiếu, vì nghèo.
Bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) nghẹn lời khi trải lòng về lý do đã nhiều năm nay không về với xuân quê hương. “Về ăn Tết mà mình nghèo quá, không sắm sửa được gì, không có tiền lì xì cho mấy đứa nhỏ, ngại lắm”-bà Lan rơm rớm nói. Con cái đã ra riêng nhưng đều khó khăn, ông Nguyễn Phú Hưng-chồng bà lại thêm bệnh đau dạ dày kinh niên nên khó lại càng khó. Tất cả chỉ trông mong vào tiền phụ việc của bà ở các quán ăn. Chỉ khi nào giỗ chạp, vợ chồng bà mới tranh thủ về quê ít hôm. Ôm phần quà nhỏ gồm gạo, mì tôm và tiền mặt (trị giá 300 ngàn đồng), bà Lan bày tỏ: “Tết xa quê buồn lắm! Nhưng được quan tâm tặng quà Tết, chúng tôi cũng thấy ấm lòng”.
Những phần quà ý nghĩa được Ban tổ chức chương trình “Ấm áp mùa xuân” trao tận tay người nghèo xa quê mưu sinh. Ảnh: Phương Duyên
Tết này, bà Trần Thị Thúy Phượng (quê huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng chọn ở lại quê hương thứ hai như những năm trước. Người phụ nữ lam lũ đã qua tuổi lục tuần rơi vào cảnh khó khăn do chồng bị bệnh phổi, con cái ở xa, bản thân bà thu nhập bấp bênh với nghề bán vé số dạo. “Giá vé tàu xe đắt đỏ, làm ăn khó khăn nên tôi không còn muốn về quê ăn Tết”-bà Phượng giãi bày. Niềm vui bất ngờ khi trong cảnh khó có chút sẻ chia đã khiến gương mặt bà sáng lên niềm hạnh phúc. Cũng không về quê dịp này là ông Nguyễn Đăng Phương (75 tuổi, quê huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Chất gạo, mì tôm lên chiếc xe máy cà tàng dùng chạy xe ôm, ông vui vẻ nói: “Vầy là coi như tạm qua được mùa xuân”.
Nói về ý tưởng tổ chức chương trình thiện nguyện “Ấm áp mùa xuân”, thầy Ngô Văn Hòa-Chủ nhiệm Câu lạc bộ guitar Thầy và Trò-cho hay: Năm nào, tỉnh Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng cũng quan tâm hỗ trợ người nghèo đón Tết. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận những người xa quê có hoàn cảnh khó khăn đang mưu sinh tại TP. Pleiku thiếu sự động viên kịp thời. Từ sự chung tay đóng góp kinh phí của nhiều Mạnh Thường Quân trên địa bàn, trong đó phần lớn là của Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hoa-đơn vị thường xuyên đồng hành cùng Câu lạc bộ tại các chương trình thiện nguyện, 137 phần quà đã được trao đi. “Món quà không lớn nhưng bà con rất quý, rất mừng khi đón nhận khiến chúng tôi thấy vô cùng ấm áp”-thầy Hòa chia sẻ. Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-cho hay: Đây là lần đầu tiên Thành Đoàn phối hợp tổ chức một chương trình ý nghĩa như thế này. Với tổng giá trị thiện nguyện hơn 40 triệu đồng, chương trình đã mang đến cho người nghèo xa quê một cái Tết ấm áp hơn, qua đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau. 
Tết nghèo đã buồn, Tết tha hương lại càng tủi phận. Song bất kỳ sự chung tay hỗ trợ nào, dù nhỏ, cũng đều ý nghĩa đối với người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc; đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, đúng với tinh thần của chương trình “Tết nhân ái” lan tỏa  rộng khắp.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm