Thời sự - Sự kiện

Ấn Độ phản đối Trung Quốc đổi tên 30 địa điểm khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 3/4, tờ Times of India đưa tin Bộ Ngoại giao Ấn Độ phản đối mạnh việc Trung Quốc đổi tên 30 địa điểm ở khu vực biên giới trên dãy Himalaya mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gọi là Nam Tây Tạng, còn Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh.

Ấn Độ phản đối Trung Quốc đổi tên 30 địa điểm ở khu vực tranh chấp biên giới. Ảnh: AFP

Phản ứng của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra vài ngày sau khi Bộ Nội vụ Trung Quốc ngày 30/ 3 thông báo về việc "chuẩn hoá" 30 địa danh ở khu vực nói trên, theo thông báo đăng trên trang web Bộ Nội vụ Trung Quốc.

Bộ Nội vụ Trung Quốc cũng đính kèm danh sách 30 địa danh được "chuẩn hoá" cùng với bản đồ thể hiện vị trí của các địa danh này.

Theo tờ South China Morning Post, 30 địa danh trên gồm 11 khu dân cư, 12 ngọn núi, 4 con sông, 1 hồ, 1 đèo núi, 1 thửa đất.

Theo Times of India, đây là lần thứ tư Trung Quốc đổi tên các địa danh ở Arunachal Pradesh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal ngày 2/4 gọi hành động mới của Bắc Kinh là “vô nghĩa” và tái khẳng định "Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời” của Ấn Độ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thì khẳng định việc đổi tên sẽ không làm thay đổi gì cả.

Theo tạp chí US News & World Report, Mỹ cũng đã lên tiếng về động thái trên của Trung Quốc, gọi hành vi đó là một “nỗ lực đơn phương” khác của Bắc Kinh để tái khẳng định yêu sách lãnh thổ.

Washington cho biết nước này công nhận Arunachal Pradesh là lãnh thổ của Ấn Độ, “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thúc đẩy yêu sách lãnh thổ bằng cách xâm nhập hoặc xâm lấn" quân sự hoặc dân sự.

Trung Quốc phản đối phát ngôn trên của Mỹ, nói rằng "vấn đề không liên quan Washington".

Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước láng giềng của nhau có một đường biên giới chung gần 3500 km. Biên giới 2 nước là một trong các điểm nóng tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên thế giới.

Năm 1962, một cuộc xung đột giữa 2 bên kéo dài một tháng mới kết thúc. Đến năm 1967, căng thẳng một lần nữa quay trở lại dọc theo biên giới giữa hai nước tại vị trí hai ngọn núi Nathu La và Cho La, nối Sikkim (khi đó là một vương quốc được Ấn Độ bảo hộ) với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Năm 1987, binh sĩ Ấn Độ tiến hành một chiến dịch huấn luyện để kiểm tra khả năng di chuyển quân đội đến biên giới. Trung Quốc phản ứng bằng cách cũng điều binh sĩ và thiết bị tới sát Đường Kiểm soát thực tế. Căng thẳng tiếp tục kéo dài từ đó cho tới nay.

Có thể bạn quan tâm