Tin tức

Ấn Độ thành quốc gia thứ sáu có tàu ngầm hạt nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 25 năm nỗ lực, lò phản ứng trên chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân “Arihant” do Ấn Độ tự chế tạo, đã đi vào hoạt động vào lúc 1 giờ 20 phút sáng 11-8 (giờ địa phương).
 

 

Các phương tiện thông tin đại chúng Ấn Độ sáng 11-8 đã đồng loạt đưa tin cho biết lò phản ứng trên tàu ngầm “Arihant” đã đạt được độ cần thiết để tự phản ứng hạt nhân-bước đầu tiên tiến tới sản xuất năng lượng ổn định khi tàu hoạt động trên biển.

Tàu “Arihant” dài khoảng 111 mét, rộng 11 mét và cao 15 mét, được thiết kế chạy bằng lực đẩy của lò nước nén (PWR) sử dụng urani được làm giàu để làm nhiên liệu, và sử dụng nước nhẹ làm nguội và điều tiết lò. PWR sẽ tạo khoảng 80 MW điện năng.

Các nhà khoa học nghiên cứu thiết kế và chế tạo con tàu cho biết thách thức chủ yếu trong dự án là chế tạo lò phản ứng có độ rắn thích hợp để lắp đặt cho tàu ngầm. Bên cạnh đó, lò phản ứng cần ổn định khi tàu ngầm lặn xuống đáy biển.

Tàu ngầm “Arihant” cũng sẽ được trang bị tên lửa K-15 có khả năng phóng từ dưới nước, có thể bắn tới những mục tiêu cách xa 700 km.

Ấn Độ cũng đang chế tạo tên lửa K-15 mang đầu đạn hạt nhân, ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại Visakhapatnam theo chương trình tăng cường khả năng tấn công hạt nhân trên biển.


Hiện có 5 nước trên thế giới đã có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm