Sức khỏe

Ăn quá ít cơm, bạn sẽ chết sớm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghiên cứu mới của Mỹ cảnh báo các chế độ ăn "hợp mốt", quá ít carbohydrates rất có hại: hãy bảo đảm 50-55% carbohydrates trong khẩu phần nếu bạn không muốn chết sớm.
 
Các nhà khoa học đến từ Trường Y Harvard T.H. Chan (thuộc Đại học Harvard, Mỹ) và Bệnh viện Brigham and Women (Boston, Mỹ) đã theo dõi 15.428 người trong suốt 25 năm để đi đến kết luận trên. Các kết quả cho thấy các chế độ ăn ít hơn 40% hay nhiều hơn 65% carbohydrates trong khẩu phần đều gây thiệt hại đến tuổi thọ của con người.
Để bảo đảm sức khỏe và sống lâu, bạn nên giữ khoảng 50-55% khẩu phần là carbohydrates, ưu tiên các nguồi carbohydrates tốt cho sức khỏe như cơm, bánh mì, mì ống, khoai tây…
Với nhóm ăn low-carbs (ít carbohydrates), nguy cơ chết sớm sẽ giảm bớt nếu họ thay phần tinh bột thiếu hụt bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau, đậu và các loại hạt. Những người thay thế phần tinh bột giảm đi bằng protein và chất béo sẽ chết sớm nhất. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là nhiều người tin rằng khi đã cắt giảm tinh bột, họ nên ăn nhiều protein để bảo đảm năng lượng và có thể ăn chất béo khá thoải mái vì cơ thể đốt mỡ tốt hơn.
Trong 25 năm nghiên cứu, đã có tổng cộng 6.283 người trong nhóm tình nguyện viên qua đời. Dù được lựa chọn ở mức tương đương về tuổi tác và sức khỏe khi bắt đầu nghiên cứu, nhưng nhóm ăn low-carbs có tỉ lệ tử vong cao hơn đến 20% so với nhóm ăn uống cân bằng.
Với một người 50 tuổi ăn 50-55% carbohydrates trong khẩu phần, họ có thể sống đến tuổi trung bình là 83. Điều này có nghĩa họ sống lâu hơn trung bình 4 năm so với nhóm chỉ ăn dưới 30% carbonhydrates; hơn 2,3 năm so với nhóm ăn 30-40% carbonhydrates; hơn 1,1 năm so với nhóm ăn quá nhiều carbonhydrates (65% trở lên).
 Đối chiếu thêm hồ sơ sức khỏe của 432.000 người khác từ 20 quốc gia, được thu thập trong các nghiên cứu có liên quan, các kết quả càng được củng cố.
Kết quả nghiên cứu trên phù hợp với khuyến cáo mới của Cơ quan Y tế công cộng Anh, cho rằng carbohydrates đến từ tinh bột nên là thành phần chính của chế độ ăn uống lành mạnh.
Người ta thường đổ lỗi cho carbohydrates gây béo phì và các vấn đề sức khỏe khác do dư thừa năng lượng. Tuy nhiên mấu chốt ở đây là bạn cần ăn với lượng vừa phải, số calo vừa phải và nạp những thức ăn lành mạnh chứ không phải cắt giảm một thành phần nào để hy vọng giảm béo. Về cơ bản carbohydrates là thành phần chủ chốt cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Tác giả Scott Solomon, thành viên nhóm nghiên cứu nói thêm rằng các kết quả cho thấy nếu thực sự bạn muốn làm gì đó cho chế độ ăn uống của mình, thay vì cắt bỏ quá nhiều carbohydrates, hay chuyển sang ăn nhiều thực vật hơn – điều đó sẽ giúp bạn giảm bớt các bệnh tật nghiêm trọng. Cách tiếp cận lành mạnh nhất với thức ăn là ăn cân bằng các nhóm thực phẩm.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Lancet Public Health.
A. Thư (The Lancet Public Health,BBC,Daily Mail, nld)

Có thể bạn quan tâm