Kinh tế

Ăn vay cả năm, trả lãi đầu vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối với các đại lý thu mua cà phê, từ tháng 6 trở đi là thời điểm “bung” vốn cho các thương lái tại các vùng cắt giá sớm. Người ít thì vài ba tạ, nhiều thì 1-2 tấn trở lên và giá cắt sớm bao giờ cũng chênh lệch từ 8 đến 10 giá so với thời điểm thu mua cao điểm.

Ngay từ đầu vụ cà phê năm nay, không ít nông dân đã lâm vào cảnh thiếu vốn đầu tư, thậm chí tay trắng ngay trên mảnh vườn của mình, phải trả nợ vay cắt cà phê non cho kỳ trước. Khó khăn chồng chất, nhiều người đành bấm bụng chọn phương án ăn vay cả năm, đến mùa trả gốc lẫn lãi cho chủ nợ- là những “công ty hai sọt” hoặc các xe bán hàng thực phẩm lưu động dọc tuyến từ các huyện Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê... (Gia Lai).
Nông dân mua thức ăn tại các “công ty hai sọt”. Ảnh: S.C
Cũng như nhiều nông dân bám trụ với cây cà phê trên đất xã Bàu Cạn- huyện Chư Prông, gia đình ông Nguyễn Bá Long đã dành nhiều công sức đầu tư rẫy cà phê hơn 1 ha-là nguồn thu nuôi sống cả nhà. Nhiều năm qua, vòng quay nghiệt ngã được mùa mất giá, được giá mất mùa luôn đeo bám những người trồng cà phê, thế nên không mấy khi nông dân như ông Long được thong thả, mà thường rơi vào cảnh thiếu vốn đầu tư mỗi khi vào vụ mới. Theo tính toán của ông, vụ cà phê vừa qua ông thu được 2,5 tấn cà phê nhân, bán hơn 100 triệu đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ, thế nhưng, trong thời điểm “gạo châu củi quế” như hiện nay, chỉ tính sơ phần tái đầu tư cho rẫy cà phê đã tốn hơn 50 triệu đồng, trả nợ vay ăn năm trước hơn 20 triệu đồng..., số tiền ít ỏi còn lại cả nhà ông không đủ chi tiêu, trang trải sinh hoạt cho đến mùa thu hoạch sau. Thế nên ngay từ đầu vụ, ông Long bấm bụng chọn giải pháp mua thức ăn trước- trả tiền sau khi thu hoạch cà phê, cho dù mức giá chênh lệch khá cao. “Giá cả mấy tháng qua tăng chóng mặt. Mua trả chậm nên cái gì cũng đắt hơn ngoài thành phố tới mấy giá, trong khi đồng tiền làm ra ngày càng khó khăn hơn”- ông Long rầu rĩ.
Không riêng gì gia đình ông Long, người trồng cà phê ở đây cũng chọn giải pháp ăn vay quay vòng cả năm. Cứ 10 nhà thì có đến 7 nhà ít khi xài tiền mặt đi chợ, mà chủ yếu là ký sổ tại các quầy, điểm bán hàng để mua thức ăn, đến mùa thu hoạch thì thanh toán trọn gói cả gốc lẫn lời. Người nợ ít nhất cũng từ 5 triệu đồng cho tới hơn 20 triệu đồng mỗi năm.
May mắn hơn nhiều hộ nông dân khác, gia đình bà Nguyễn Thị Nga (xã Bờ Ngoong- huyện Chư Sê) chưa phải tính kế ăn vay cả năm nhưng gia đình cũng phải xoay xở đủ đường theo kiểu lấy ngắn nuôi dài mới đủ nuôi 2 con đang học tại TP. Hồ Chí Minh. Vừa canh tác vườn cà phê hơn 1 ha và trăm trụ tiêu, gia đình bà Nga nuôi thêm đàn heo, đàn gà mấy chục con để có tiền trang trải hàng ngày. Thế nhưng, vụ cà phê năm rồi, gia đình cũng phải cắt giá sớm đầu vụ 3 tấn cà phê với giá 18.000 đồng/kg cà phê vỏ, chịu thiệt mất 10 giá so thời điểm chính vụ. “Chưa bao giờ tôi thấy giá cà phê nhân cao như vụ rồi. Thấy giá cao thì ham nhưng tôi làm gì có nhiều vốn để tích trữ cà phê đợi giá. Đầu vụ là phải lo bán đi để có tiền trả cho nhân công, mua phân bón”- bà Nga tiếc rẻ.  
Chuyện nông dân phải bán cà phê, cắt giá sớm, thậm chí ăn vay cả năm là việc chưa-bao-giờ-cũ, nhất là khi nền nông nghiệp canh tác còn phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên. Một khi nông dân chưa tự chủ được giá và còn gặp khó khăn mà thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước ngay trên mảnh vườn của chính họ, thì vòng quay ăn vay cả năm, trả nợ đầu vụ sẽ vẫn là chuyện buồn muôn thuở...
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm