Sống trẻ - Sống đẹp

Áo cũ ấm lòng người dân vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 1 năm ra mắt, “Tủ áo ấm tình thương” của Đoàn trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã giúp đỡ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ làm cầu nối với các Mạnh Thường Quân, mô hình này còn khơi dậy tinh thần sẻ chia, lòng nhân ái trong đoàn viên, thanh niên.
Nói về mô hình ý nghĩa này, anh Trần Hải Nam-Bí thư Đoàn trường THPT Phạm Văn Đồng-chia sẻ: “Trước đây, đơn vị thường tổ chức hoạt động tình nguyện ở làng. Khi tặng áo quần đã qua sử dụng, bà con đến nhận rất đông. Mỗi năm, nhà trường chỉ tổ chức được 3-4 hoạt động tình nguyện ở làng. Đến tháng 3-2020, đơn vị đã ra mắt mô hình này giúp bà con có chỗ cố định để nhận áo quần thường xuyên hơn”.
Để mô hình đạt hiệu quả, Đoàn trường THPT Phạm Văn Đồng phát động đoàn viên quyên góp quần áo với tiêu chí: áo quần còn sử dụng được và phải giặt sạch trước khi quyên góp. Đơn vị cũng đăng tải thông tin lên trang Facebook để kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân. Đồng thời, đề xuất Ban Giám hiệu hỗ trợ, vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp kinh phí làm tủ đựng áo quần rộng khoảng 12 m2. “Ai cần đến lấy-ai có đem cho” là dòng chữ dán bên ngoài tủ áo quần ý nghĩa này. Từ khi phát động, đơn vị đã nhận được sự hưởng ứng của các giáo viên, đoàn viên, thanh niên và Mạnh Thường Quân trong huyện. Quần áo nhận về, đoàn viên, thanh niên trong trường phân loại, sắp xếp ngay ngắn hoặc treo trên móc, nhiều bộ còn mới 100%. Ngoài quần áo, chiếc tủ này đôi khi còn có thêm cả giày, dép, sách, vở… do các Mạnh Thường Quân ủng hộ cho học sinh.
“Tủ áo ấm tình thương” đặt cố định bên trái cổng trường, mở cửa từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Các thành viên đội thanh niên xung kích của trường thay nhau trực để quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ bà con nhận đồ. Những lúc không mở cửa, tủ được khóa lại chắc chắn. Em Trần Hà Uyên-Bí thư Chi Đoàn lớp 11B1-cho biết: “Khi ra mắt tủ đồ này, chúng em sợ bà con ngại, không đến nhận. Thế nhưng, bà con đến nhận rất đông, áo quần vơi đi rất nhanh. Đây là động lực để chúng em càng tích cực kêu gọi, vận động mọi người quyên góp để giúp bà con”.
Các thành viên đội thanh niên xung kích Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) trao áo quần cho người dân. Ảnh: Thủy Bình
Thành viên đội thanh niên xung kích Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) trao áo quần cho người dân. Ảnh: Thủy Bình
Thời gian qua, chiếc tủ này đã đem đến niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo ghi nhận, mỗi ngày có hàng chục lượt người đến nhận quần áo, họ là lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi người được nhận 3-5 bộ áo quần. Sau khi lựa chọn được món đồ phù hợp, họ đều ý thức sắp xếp lại đồ thật ngăn nắp để các thành viên đội thanh niên xung kích đỡ vất vả.
Đến nhận áo quần, bà Rơ Châm Vui (làng Yet, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Quần áo ở đây nhiều và đẹp lắm. Mình tìm được đồ phù hợp và xin thêm cho gia đình. Mình cũng rủ bà con trong làng đến đây xin áo quần về mặc. Bà con biết ơn và cảm động trước tình cảm của các cháu học sinh”.
Đoàn trường THPT Phạm Văn Đồng thường xuyên đăng tải hình ảnh bà con đến nhận đồ lên trang Facebook nhằm lan tỏa thông điệp sẻ chia yêu thương. “Cũ người, mới ta”, người đến nhận đồ cũng nhiều mà người tặng đồ cũng không ít. Ngoài sự ủng hộ của bà con trong huyện, đơn vị còn nhận những lô hàng được gói ghém cẩn thận từ các Mạnh Thường Quân ở TP. Hồ Chí Minh gửi tặng. Em Lê Thùy Linh (lớp 11B1) cho biết: “Thấy bà con vui khi lựa được bộ đồ phù hợp, chúng em cũng vui lây vì mình làm được việc tốt. Những bộ áo quần tuy đã cũ nhưng là món quà ý nghĩa khi mang lại niềm vui cho những người khác”.
Tham gia Hội thi thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai với chủ đề “Tôi và dự án tình nguyện” do Tỉnh Đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu tháng 1-2022, mô hình “Tủ áo ấm tình thương” của Đoàn trường THPT Phạm Văn Đồng đã giành được giải nhì. Anh Nguyễn Như Quang-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Ia Grai-cho hay: “Tủ áo ấm tình thương” là mô hình ý nghĩa được nhiều đơn vị triển khai, tuy nhiên, điểm mới là mô hình này ra đời từ chính tâm huyết, sự sẻ chia của các em học sinh. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mô hình đã giúp nhiều người dân vơi bớt nỗi lo về cái mặc hàng ngày. Hơn thế, nó góp phần giáo dục, lan tỏa tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái trong đoàn viên, thanh niên.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm