Kinh tế

Áp lực khi mủ cao su rớt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Doanh nghiệp gặp khó khăn

(GLO)- Giá mủ cao su xuống thấp kể từ cuối năm 2011 đến nay khiến nhiều vườn cao su dù đã đến kỳ khai thác nhưng nhiều chủ vườn ngại ngần chưa lấy mủ. Năm nay, đầu vụ khai thác giá 1 tấn mủ nước khoảng 450 ngàn đồng rồi 400 ngàn đồng, sau còn 350 ngàn đồng, cứ thế rớt mãi, gần đây mới nhích lên tí chút. Những vườn gần nhà, thuê nhân công ít, khai thác đầu vụ thì còn có chút lãi. Những vườn ở xa, chủ vườn xác định từ đầu vụ là không khai thác.


Hơn một năm nay, giá mủ tươi bán tại lô liên tục giảm, hiện còn 8-9 ngàn đồng/kg chưa đủ trang trải chi phí chăm sóc, khai thác. Giá mủ cao su sơ chế tại các công ty cao su trên địa bàn Gia Lai chỉ vào khoảng 50 triệu đồng/tấn, thấp rất xa so với trước đây và giảm tới 30-40% so với đỉnh điểm cách hơn một năm. Năm nay, nhiều công ty thông báo doanh thu chủ yếu là từ mủ sơ chế nhưng đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Ông Phan Sỹ Bình- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư  Prông cho rằng: Thị trường hàng hóa luôn có sự điều tiết, biến động theo những quy luật riêng, ở đây chủ yếu là quy luật cung-cầu trong từng thời điểm. Vấn đề là các doanh nghiệp đã có sự tính toán và chủ động như thế nào trước sự biến động theo chiều hướng bất lợi. Do đã xác định từ trước nên Công ty có phương án phù hợp. Công nhân làm việc tại Công ty vốn có tích lũy, có nguồn thu nhập khác và mức thu nhập từ trồng, chế biến cao su trong thời điểm hiện nay có thể xem là chấp nhận được.

Tuy nhiên nhìn trên tổng thể, doanh số giảm, hàng tồn kho nhiều, có khi đến hàng ngàn tấn là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp cao su. Nhiều đơn vị phải tiết giảm chi phí, cắt giảm tiền lương cán bộ, công nhân.

Công nhân bỏ việc

Giá mủ xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su lao đao. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân-lao động và hộ trồng cao su không khỏi lo lắng khi thu nhập giảm thấp, thậm chí là chưa biết sẽ sống bằng cách gì.

 

Đề cập đến tình trạng công nhân bỏ việc, ông Lê Văn Thành-Trưởng phòng Thi đua Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang cho biết: “Đây là điệp khúc ở các công ty cao su. Nguyên nhân có thể không hẳn vì giá mủ cao su xuống thấp, lương thấp, vì đã là người có thời gian làm việc khoảng 10 năm thì từng biết thị trường giá mủ cao su Việt Nam lên xuống nhiều lần, thành công và thất bại của doanh nghiệp ra sao”.

Điều đáng quan tâm đầu tiên là nhiều người vay tiền ngân hàng để trồng mới hay mở rộng diện tích cây cao su đều trở nên sống dở chết dở. Hộ vay trồng mới hay để chăm sóc cũng đều ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Giá mủ cao su xuống thấp, tương lai cây cao su chưa biết về đâu, trong khi vốn, lãi ngân hàng cứ phải đều đặn thực hiện nghĩa vụ. Bỏ mặc hoặc phá bỏ, chuyển đổi cây trồng khác đều là những phương án không thể với họ lúc bấy giờ.  

Song điều đáng quan tâm hơn là tình trạng công nhân bỏ việc. Khảo sát của chúng tôi tại một số công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Gia Lai cho thấy, tình trạng công nhân bỏ việc là điều có thật và khá phổ biến.

Ông Trần Tư- Phó Giám đốc Nông trường Cao su Tân Lập (thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) cho biết: Nông trường đang quản lý khai thác 1.100 ha cao su. Công nhân làm việc ở đây thời điểm đầu năm là 400 người và hiện nay chỉ còn 387 người. Có sự chênh lệch này là vì nông trường thực hiện kế hoạch thanh lý số diện tích già cỗi, năng suất thấp.

Hiện mức lương bình quân của công nhân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này đủ sức kéo công nhân ở lại với doanh nghiệp. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, công nhân bỏ việc là có thật, phổ biến hồi đầu năm, bây giờ thì có ổn định hơn. Còn tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, lượng công nhân nghỉ việc cũng đến con số hàng trăm (đây là Công ty có tỷ lệ công nhân người dân tộc thiểu số làm việc cao nhất trong các công ty trên địa bàn).

Công nhân bỏ việc xuất phát từ thu nhập giảm do giá mủ cao su xuống thấp, công ty buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Bên cạnh đó, chất lượng vườn cây thấp cũng là nguyên nhân khiến thu nhập của công nhân giảm theo, công nhân vì mưu sinh, vì cái lợi trước mắt đã đoạn tuyệt với công ty. Công nhân bỏ việc đồng nghĩa với chuyện doanh nghiệp vất vả bổ sung số lượng thay thế.

“Điệp khúc” khi mủ cao su mất giá thì công nhân bỏ việc, lúc được giá lại tấp nập xin vào làm là thực trạng làm đau đầu các doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, đằng sau công ăn việc làm thiếu ổn định là trật tự xã hội, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 220 ngàn ha cao su, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất với trên 120 ngàn ha. Giá mủ cao su xuống thấp rõ ràng đang gây nhiều áp lực lên không chỉ với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao su mà còn đối với chính quyền các địa phương.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm