Kinh tế

Áp trần giá các mặt hàng sữa: Giá không giảm mà còn… tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi Bộ Tài chính công bố quyết định áp giá trần đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dự kiến giá thành của các sản phẩm này sẽ giảm. Tuy nhiên, các bà mẹ đang nuôi con nhỏ chưa kịp vui mừng thì phải "méo mặt" vì không những giá sữa không giảm mà còn tăng thêm vài chục ngàn đồng đến gần 100.000 đồng/hộp, đáng nói là có sản phẩm giảm khối lượng nhưng giá tiền lại đội lên.

"Chiêu" mới để lách luật

Chị Đỗ Thị Bích Hương-chủ cửa hàng sữa Bích Hương (96 Cách Mạng Tháng Tám)-cho biết: hiện tại cửa hàng chị đang bày bán một số sản phẩm mới của Công ty Mead Johnson, những sản phẩm sữa mới này khối lượng không đổi nhưng lại có thay đổi về mẫu mã và có thêm một số thành phần bổ sung..., giá bán cao hơn so với những sản phẩm cũ vài chục ngàn đồng đến gần 100.000 đồng/hộp.

 

Băn khoăn của khách hàng khi chọn sữa cho con. Ảnh: Minh Triều
Băn khoăn của khách hàng khi chọn sữa cho con. Ảnh: Minh Triều

Cụ thể: sản phẩm Enfamil A+, loại dành cho trẻ 0-6 tháng tuổi, khối lượng 900g có giá bán là 534.000 đồng nay được thay đổi sang mẫu mới là Enfamil A+ 3600 Brain Plus với cùng khối lượng nhưng giá  mới là 629.000 đồng, tăng đến 95.000 đồng/hộp. Hay Enfamil A+ (loại dành cho trẻ 6-12 tháng) khối lượng 900g thì mẫu cũ có giá là 505.000 đồng trong khi mẫu mới giá đội lên thành 554.000 đồng/hộp. Đối với sản phẩm có khối lượng 400g là Enfamil A+ (dành cho trẻ 6-12 tháng tuổi) mẫu cũ có giá là 252.000 đồng, mẫu mới có giá là 269.100 đồng...

Riêng đối với một số sản phẩm sữa Abbott (Mỹ) thì không những trọng lượng bị rút bớt lại mà giá tiền còn tăng lên. Chẳng hạn, nhãn hàng sữa Ensure Gold có giá không thay đổi là 687.500 đồng nhưng trọng lượng từ 900g nay chỉ còn lại 850g. Đáng chú ý là dòng sản phẩm Pedia Sure, trọng lượng 900g thì vừa tăng giá, vừa giảm trọng lượng: trước đó mức giá cũ là 569.000 đồng/hộp thì nay sản phẩm mới chỉ còn 850g nhưng giá lại tăng lên thành 586.500 đồng/hộp!

 

Chọn mua loại sữa phù hợp với túi tiền khiến các bà mẹ phải suy nghĩ. Ảnh: Minh Triều
Chọn mua loại sữa phù hợp với túi tiền khiến các bà mẹ phải suy nghĩ. Ảnh: Minh Triều

Theo anh Bùi Viết Anh-chủ cửa hàng tạp hóa Hồng Nhung (51 Trần Phú nối dài, TP. Pleiku), việc Bộ Tài chính thông báo áp giá trần đối với mặt hàng sữa anh cũng được biết qua báo, đài, chứ còn về phía Công ty thì chưa có động thái gì. "Báo đài cũng nói đến việc một số công ty lách luật như giảm trọng lượng thì tôi cũng nhận thấy là có, ví dụ như sữa Pedia Ensure lúc trước là 900g, giờ chỉ còn 850g mà giá còn tăng lên, riêng sữa Enfa thì đổi nhiều mẫu mới, và giá đều tăng lên vài chục ngàn đồng một hộp"- anh Anh chia sẻ.

Tranh thủ mua trước khi áp giá trần

Chính vì thế, khi nhiều hãng sữa tung ra thị trường những sản phẩm với mẫu mã mới, đa số khách hàng đã chọn mua sản phẩm cũ để dự trữ, vì giá của những sản phẩm này rẻ hơn trong khi chất lượng thì "không thay đổi nhiều". Ngay cả người bán cũng tư vấn cho khách nên mua sản phẩm cũ trước khi Nhà nước áp giá trần.

Chủ cửa hàng Bích Hương kể lại: Có một khách hàng nữ đến mua liền một lúc 4 hộp sữa nhãn cũ để dự trữ cho con đã có những chia sẻ hết sức "tâm huyết". Theo nữ khách hàng này, các mặt hàng sữa lên giá là người tiêu dùng đã chịu thiệt thòi rồi, nhưng Nhà nước không can thiệp được để người dân cứ bị mất tiền oan. Vì thế, chị cảm thấy rất buồn vì điều này chứ không phải vì bị mất mấy mươi ngàn đồng mỗi lon sữa. Vị khách hàng này còn trăn trở, không biết sản phẩm sữa mới có bổ sung thêm những thành phần gì nhưng thấy giá tăng từ 5% đến 7%, nên chị quyết định chọn sữa nhãn cũ để dành vì giá rẻ hơn với suy nghĩ tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Một khách hàng ở xã Chư Á (TP. Pleiku) cũng "ngậm ngùi" khi phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn mua nguyên một thùng sữa Enfagrow loại lớn để dự trữ, vì con của anh đã sử dụng quen với loại sản phẩm này.

 

Một trong 2 sản phẩm sữa Abbott vừa giảm trọng lượng lại vừa tăng giá. Ảnh: Minh Triều
Một trong 2 sản phẩm sữa Abbott vừa giảm trọng lượng lại vừa tăng giá. Ảnh: Minh Triều

Không như vị khách hàng nói trên, chị Phạm Thi Giang-28 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku-cho biết: Nếu trong thời gian tới không còn sản phẩm sữa nhãn hàng cũ trong khi mức giá sản phẩm sữa mới lại cao như thế này thì chị sẽ đổi sang sử dụng các sản phẩm sữa Việt Nam cho phù hợp với túi tiền. Bên cạnh đó, chị sẽ điều tiết lại chi tiêu bằng cách bù đắp lại cho con những chất dinh dưỡng hàng ngày có trong những loại thực phẩm khác. "Một tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm đến nay các sản phẩm sữa cao cấp của Việt Nam nhãn hiệu Nutifood, Vinamilk được nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng, hiện đang bán rất chạy"-chủ cửa hàng Bích Hương cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Phan Minh Túc-Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường-cho biết: Kiểm tra việc thực hiện bán sữa áp theo giá trần là một trong những nội dung trọng điểm trong cuộc họp giao ban của Sở vừa qua. Đặc biệt, những tháng tới là những tháng cao điểm về phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại nên việc kiểm tra sẽ được triển khai sâu rộng hơn.

Ngoài nhiệm vụ kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đại lý, lực lượng Quản lý Thị trường còn tập trung kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng của hàng hóa. Nếu phát hiện các hành vi gian lận thương mại hoặc bán vượt quá mức giá của đại lý quy định, đơn vị sẽ xử lý nghiêm khắc. Đơn vị cũng sẽ cử các cán bộ thâm nhập và khảo sát, đồng thời nghiên cứu kỹ các giải pháp nhằm ngăn chặn và xử lý những thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi từ các đơn vị sản xuất, phân phối sữa, bởi sữa là một mặt hàng đặc biệt không chỉ là nhu cầu của người dân mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thế hệ trẻ em tương lai sau này.

Minh Triều-Lê Lan

Có thể bạn quan tâm