(GLO)- Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) đã tích cực giải ngân nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo để họ đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo kết quả rà soát đầu năm 2020, huyện Chư Pah còn 1.696 hộ nghèo, chiếm 8,57% và 3.315 hộ cận nghèo, chiếm 16,76%. Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, ngay từ đầu năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội tiến hành rà soát danh sách các nhóm hộ này làm cơ sở cho vay.
Từ đó, Phòng Giao dịch có kế hoạch giải ngân nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để tăng thu nhập.
Ông Rơ Châm Hyur (bìa trái; làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) vay vốn trồng cà phê, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hà Phương |
Gia đình ông Rơ Châm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) là một trong những hộ mới thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Năm 2013, ông Hyur vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi để cải tạo 1 ha vườn tạp chuyển sang trồng cà phê. Nhờ chăm chỉ lao động và chịu khó tìm tòi học hỏi nên vườn cà phê phát triển tốt, giúp ông thoát nghèo và trả được nợ ngân hàng.
Để giúp gia đình ông Hyur thoát nghèo một cách bền vững, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để gia đình ông đầu tư vào sản xuất. Ông Hyur cho biết: “Sau 3 năm, gia đình tôi đã trả xong số tiền vay. Vừa rồi, tôi vay tiếp 40 triệu đồng để đầu tư thâm canh 2 ha cà phê. Hiện thu nhập của gia đình tôi khá ổn định”.
Cũng như gia đình ông Hyur, gia đình chị Ksor HHunh (làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin) thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ tín dụng, năm 2008, gia đình chị vay 10 triệu đồng đầu tư nuôi heo và trồng cà phê. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa tích lũy, tăng dần thu nhập, đến nay, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pah giải ngân gần 19,8 tỷ đồng cho trên 531 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn, nâng tổng dư nợ cho vay nhóm đối tượng này lên trên 182,4 tỷ đồng với 5.605 hộ vay vốn.
Bà Bùi Thị Bích Ân-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pah-cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo sau khi giải ngân đã được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, giúp họ nâng cao thu nhập. Nhờ được đầu tư vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn, tiết kiệm chi tiêu và chăm chỉ lao động, toàn huyện đã có trên 200 hộ thoát nghèo. Những hộ này vẫn tiếp tục cần vốn đầu tư trong thời gian từ 3 đến 5 năm nữa để thực sự thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ổn định hơn”.
Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah-cho biết: “Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều nông dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tìm hướng làm ăn mới. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng; củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn được bà con nông dân sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.
Có thể khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở Chư Pah đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
HÀ PHƯƠNG