(GLO)- Có một sự thật là trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, tư tưởng thành văn và cả tư tưởng truyền miệng đều nói đến những nhà tư tưởng lớn có khả năng “tiên tri, tiên lượng” về thời cuộc, thế sự, chẳng hạn như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi... đã được nhân dân ta tôn vinh như những vị Thánh. Bác Hồ là một trong những “vị Thánh” như thế.
Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất được nhân dân Việt Nam coi là “nhà tiên tri”, bởi Người luôn dự báo chính xác trước đó hàng chục năm về thời gian giành thắng lợi đến từng trận đánh lớn như Cách mạng Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không, trong đó không thể thiếu sự dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà Bác đã để lại trong Di chúc của mình.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Huy Hoàng |
Trả lời câu hỏi “Tại sao Bác Hồ lại có khả năng kỳ diệu đó?”, các tác giả trong “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời tiên đoán lịch sử”-Nhà Xuất bản Đồng Nai, ấn hành năm 2014, đã bước đầu có những điều gợi ý rất lý thú. Đó là dựa vào triết học, muốn tiên đoán đúng sự kiện lớn trong xã hội loài người, hay hẹp hơn là trong phạm vi thời cuộc thì “nhà tiên tri” phải có hai điều kiện: Trước hết, về khách quan, nhà tư tưởng phải nắm được biện chứng của khách thể-xã hội trong dòng chảy của hiện thực sinh động, nắm vững quy luật vận động của xã hội; bản chất của các khách thể tham gia vào tiến trình của xã hội. Và, nhà tư tưởng-chủ thể của nhận thức, phải là người thông tuệ, có trình độ, kiến thức uyên bác, có tri thức thực tiễn sâu rộng, đặc biệt là phải nắm vững các quy luật, phạm trù của phép biện chứng.
Từ các nhận định trên, chúng ta thấy Bác Hồ có những dự báo “tiên tri” chuẩn xác, trong phạm vi bài viết này, nhân dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi đề cập đến một sự kiện có liên quan mà Bác đã từng tiên đoán chính xác. Rằng, “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào...” (thơ chúc Tết của Bác năm 1969-Xuân Kỷ Dậu). Theo lời ấy, cho dù bấy giờ trên chiến trường miền Nam có hơn 50 vạn lính Mỹ và gần 2 triệu các sắc lính Ngụy được Mỹ trang bị các loại vũ khí hiện đại, nhưng quả như dự đoán của Bác, cách mạng miền Nam luôn giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Theo tác giả Cao Huy Hùng (sách đã dẫn), thì lịch sử vốn có những ngẫu nhiên và cũng vô vàn biến cố bất ngờ. Nhưng ở Bác, lịch sử diễn ra như lời hẹn trước! “Đánh cho Mỹ cút”, theo một số tài liệu thì không phải đến khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, bắt đầu từ năm 1964, Bác mới nói đến chuyện đánh Mỹ; mà từ ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Hội nghị Giơneva mới bắt đầu họp, Bác Hồ đã khẳng định: “Bây giờ Pháp thì đang nói chuyện với ta, đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ” (Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 6, khóa II-tháng 7-1954).
Liên quan đến chuyện này, sinh thời nhà thơ Tố Hữu kể lại: “Hồi đó, mình là Trưởng ban Tuyên truyền, chiều 7-5-1954, lên xin ý kiến Bác “vài vấn đề”. Có điều là Bác rất bình thản, Bác bảo: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu thôi... chiến tranh chưa kết thúc đâu, kẻ thù của ta bây giờ không phải là Pháp nữa mà là Mỹ, không khéo chuyến này ta phải đánh nhau với Mỹ, còn lâu dài đấy, đừng có tếu”. Điều ngạc nhiên là Bác Hồ lại nói chuyện ấy ngay sau ngày chiến thắng Điện Biên...” (sách đã dẫn, trang 23). Và nữa, trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Hà Nội (5-8-1993), Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy đã cho khán giả biết: “Chiều ngày 7-5, ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì nhận được điện..., trong bức điện có một câu “...Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ bước đầu”, tôi đứng dậy đọc điện và tôi nói với các anh lúc đó đang ngồi ở sở chỉ huy là: chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới viết được câu này”.
Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Năm 1962, trong buổi gặp mặt Bác hỏi tôi (P.T.T): Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B52 chưa? Chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này...”. Thượng tướng Phùng Thế Tài còn viết trong hồi ký của mình: “Tháng 12-1967, tôi được Bác gọi lên hỏi thăm tình hình. Ngay phút đầu tiên Bác đã hỏi về B52, nét mặt Bác đăm chiêu, bác bảo sớm muộn gì đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ thua-Bác nhìn ra cửa sổ, chỉ lên bầu trời nói tiếp-nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây (tức trên bầu trời Hà Nội).
Theo lời tiên đoán của Bác, thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Việt Nam đã đánh và đã làm cho Mỹ cút khỏi miền Nam bằng một Hiệp định hòa bình ở Paris hồi đầu năm 1973, sau thất bại tơi bời từ trận chiến 12 ngày đêm trên bầu trời thủ đô được gọi là “Điện Biên Phủ trên không” như lời Bác đã nói trước. Người ta coi sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là sự thất bại lớn nhất trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ!
Và khi Mỹ đã “cút” khỏi miền Nam, thì chuyện Ngụy bị “nhào” là gần như một quy luật, một sự tất yếu, bởi Mỹ cút rồi thì Ngụy còn đâu chỗ dựa, tiền bạc, vũ khí mỗi ngày thêm eo hẹp, ông chủ lớn đã chẳng còn mặn mà gì với một chế độ đã rơi vào thời kỳ thối rữa. Mà “Ngụy nhào” là đương nhiên đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn...”. Mùa Xuân năm 1975, cũng từ chiến dịch mang tên Người, quân và dân cả nước làm nên chiến công trọn vẹn, ghi vào lịch sử dân tộc một dấu son về bản anh hùng ca này-Bác Hồ người con ưu tú nhất của dân tộc đã dẫn dắt quân và dân ta làm nên hết chiến công này đến chiến công khác-mà sự nghiệp chiến thắng “hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam về Bác không bao giờ nguôi!
Đoàn Minh Phụng