Bác sĩ gia đình:Giúp người dân kiểm soát bệnh tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai mô hình bác sĩ gia đình sẽ giúp người dân quản lý được bệnh tật của mình một cách toàn diện và liên tục, qua đó phòng tránh và tiên lượng sớm các nguy cơ xấu đối với sức khỏe để có giải pháp kịp thời đảm bảo sức khỏe.

Thực tế mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới hơn 100 năm qua. Tại Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình mới được Bộ Y tế triển khai thí điểm ở 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang theo Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22-3-2013 về việc phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020.

 

Ảnh: Đức Phương

Còn ở Gia Lai, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Sở Y tế đang trong quá trình xây dựng đề án triển khai bác sĩ gia đình để gửi các sở ngành liên quan cho ý kiến đóng góp, sau đó mới trình UBND tỉnh quyết định. Quan điểm của Sở Y tế là sau khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thì Sở sẽ tổ chức mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép vào các trạm y tế trung tâm vì ở đó có bác sĩ và có trang-thiết bị y tế tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh ban đầu. Sở sẽ ưu tiên cử các bác sĩ ở các trạm y tế trung tâm đi học bác sĩ gia đình (3 tháng tại các trường đại học y) để về triển khai bác sĩ gia đình lồng ghép vào trạm y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Họ là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Đây là lực lượng quan trọng giúp người dân phòng tránh bệnh tật và giải quyết ban đầu bệnh tật, giúp điều phối giữa các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện khi cần điều trị nội trú.

Một lợi ích nữa là khi mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển rộng khắp thì một bác sĩ mới ra trường không nhất thiết phải xin vào cơ sở y tế của nhà nước để làm việc mà có thể về nhà mở phòng khám bác sĩ gia đình. Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình, theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn là: “Một bác sĩ ít nhất phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và một trong các văn bằng chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ về y học gia đình hoặc chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa y học gia đình được cấp tại Việt Nam hoặc công nhận tại Việt Nam; có thẻ hành nghề; có giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình do Sở Y tế cấp. Sau đó vận động những người dân có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn cư trú đến đăng ký khám bệnh tại phòng khám của mình; bảo hiểm y tế sẽ căn cứ trên số lượng bệnh nhân, lượt khám-chữa bệnh đó để trả chi phí cho bác sĩ. Đó cũng chính là tiền công của bác sĩ gia đình”.

Hiện nay, ở nước ta, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích cũng tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Nhiều trường đại học y khoa đã chú trọng đào tạo lực lượng bác sĩ, cán bộ về y học gia đình, các Sở Y tế sẽ triển khai cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên, vì mô hình bác sĩ gia đình rất mới nên hiện còn gặp nhiều khó khăn như: nguồn nhân lực có chuyên môn y học gia đình thiếu, chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân; cũng như quy định về giới hạn chuyên môn bác sĩ gia đình được thực hiện và nếu xảy ra sự cố chuyên môn hoặc bệnh nhân tử vong thì xử lý trách nhiệm như thế nào…

Bác sĩ Tuấn phân tích: Khó nhất là bảo hiểm y tế chỉ thanh toán cho những trường hợp bác sĩ khám mà có bệnh, còn trường hợp khám mà không có bệnh thì chưa được thanh toán. Mặt khác, các bác sĩ ở phòng mạch tư có xu hướng không muốn thanh toán qua bảo hiểm y tế vì phải chờ đợi giám định chi mất thời gian so với cách làm lâu nay là người dân đến khám bệnh rồi thu tiền. Do đó phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân rất khó tham gia bảo hiểm y tế. Còn ở những phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép trạm y tế thì đây đó vẫn tồn tại tâm lý người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh tại trạm nên không đến khám.

…Lợi ích thiết thực của bác sĩ gia đình đã được khẳng định ở 8 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm. Tháo gỡ được những trở ngại, vướng mắc nói trên sẽ tạo đà thuận lợi cho việc triển khai mô hình tại Gia Lai góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm