(GLO)- Vậy là hạ tuần tháng Tám này sau hơn 10 năm tôi mới trở lại Hội An, Quảng Nam. Đã chớm Thu nhưng miền Trung vẫn nắng nóng mặc cho cơn bão số 5 đang hoành hành ngoài khơi biển Đông. Đô thị cổ kính giờ hoàn toàn thay đổi, có người ví von rằng Hội An như cô gái đẹp đã được đánh thức sau một giấc ngủ dài. Với tôi, không chỉ vậy mà Hội An còn là một cõi thiêng liêng, không thể thiếu trong suốt chuỗi dài miền Trung. Nó như món gia bảo cực kỳ quý hiếm lâu nay cất kỹ trong rương…
Tháng 12-1999, UNESCO công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới, đánh thức giấc ngủ dài mấy trăm năm của phố cổ bên sông Hoài. Trở lại Hội An lần này trước mắt tôi vẫn là những con đường nhỏ sâu hun hút giữa dãy nhà một lầu san sát mái lợp ngói, hàng cổ thụ rợp mát dãy phố dài… Thế nhưng phố cổ không còn trầm mặc, những ngôi nhà ba bốn trăm năm tuổi khoác lên mình chiếc áo mới, đèn lồng đỏ treo kín trước cửa bày bán các loại sản phẩm. Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch.
Phố cổ Hội An. Ảnh: T.P |
Cả một thế giới như đang diễu quanh tôi với đủ ngôn ngữ của du khách Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Nga… Nhà cổ giờ trở thành hàng quán treo biển quảng cáo các mặt hàng bằng tiếng Anh. Tôi ghé vào một cửa hàng sách trên đường Trần Phú chỉ gặp những quyển sách ngoại văn, hoàn toàn không một cuốn tiếng Việt nào. Anh bán dạo cà rem, cô bé bán quạt giấy cũng luôn miệng hello mời khách. Có cả những nghề mới phát sinh từ khi phố cổ là “điểm đỏ” trong sổ tay du lịch thế giới, chẳng hạn như cho thuê xe đạp, giá 1 USD/chiếc/buổi, đưa khách đi thuyền trên sông hoặc tỉ mỉ hơn là chạm khắc mặt người trên những chiếc gốc rễ tre xù xì…
Chuyển từ tư thế trầm mặc sang hội nhập, thành phố tuy nhỏ nhưng mọc kín khách sạn, nhà nghỉ, có cả nhiều khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn đến 5 sao. Giá đất, giá dịch vụ cao ngất ngưởng. Buổi chiều dạo phố cổ tôi tình cờ gặp một đồng nghiệp, anh từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây tác nghiệp đang nghỉ tại ngôi nhà mới mua của một ca sĩ nổi tiếng gốc Hội An. Ngôi nhà nhỏ nhưng vườn rộng, tôi nghe anh nói mà choáng váng bởi nó có giá đến… 1 triệu USD, nghĩa là trên 20 tỷ đồng. Cũng vậy, gia đình nhà chồng người chị họ của bạn tôi ở đường Trần Cao Vân trước đây bán một ngôi nhà trong phố cổ 5 tỷ đồng tưởng đâu đã được giá, nào ngờ người mua sau đó ít lâu bán lại đến 28 tỷ đồng.
Ảnh: Thanh Phong |
Nhà cổ đắt giá đến vậy nhưng hiện nay rất nhiều nhà đã thuộc quyền sở hữu của người đến từ địa phương khác. Khách sạn mini tôi ở trên đường Lý Thường Kiệt, phòng nhỏ lại nằm trên tầng ba không thang máy nhưng 400 ngàn đồng/ngày đêm. Một quả dừa tại phố cổ đến ba chục ngàn đồng, cao gần gấp ba lần giá ở Pleiku. Hàng hóa ở phố cổ tuy nhiều nhưng không đặc sắc, quanh quẩn vẫn mấy thứ quần áo, khăn choàng, giày dép, chuỗi hạt, túi xách… nghĩa là những mặt hàng người ta có thể mua ở bất cứ đâu. Với tôi, nếu có chút riêng tư phố Hội nào đó có lẽ là những chiếc đèn lồng xinh xinh và gánh cao lầu, mì Quảng góc phố…
Cửa hàng bán hàng lưu niệm về đêm tại Phổ cổ. Ảnh: Minh Thi |
Nhìn phố cổ gần như mở toang cửa làm du lịch, bất chợt tôi nhớ lại chuyện trước đây, khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã dựa trên hai tiêu chí: Là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp văn hóa qua các thời kỳ của một thương cảng quốc tế. Là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Đi trên con phố có tuổi đời bằng “cụ kỵ” mình, tôi không khỏi suy nghĩ trong những ngôi nhà này, trên những viên đá lát hè nhẵn bóng này và trên dòng sông kia đã có bao nhiêu con người sinh sống, đi lại, bao nhiêu ghe thuyền ghé bến, các thế hệ tiền nhân đã gìn giữ như thế nào để Hội An còn nguyên vẹn như ngày nay cho chúng ta… Nhìn Hội An thay đổi, nhìn biển quảng cáo dày đặc tiếng Anh, nhìn những anh Tây, chị Tây áo thun, quần cộc dạo phố, vào hội quán, vào cả chùa Cầu, tôi vui mà lòng không khỏi bâng khuâng. Siem Reap (Campuchia) hàng ngày đón hàng vạn lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan nhưng ngành du lịch Campuchia rất cương quyết, không cho người nào đội nón, mặc quần cộc khi lên viếng đền Ăng Ko Wat.
Biển Cửa Đại. Ảnh: Minh Thi |
Tôi xuống cảng Cửa Đại mua vé (trọn gói) ra thăm Cù lao Chàm, một xã đảo của thành phố Hội An gồm 8 đảo nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng hơn 10 hải lý. Đây cũng là nơi được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009.
Chiếc ca nô lướt sóng với vận tốc trên 60 km/giờ sau gần 20 phút đã cập vào cầu tàu.
Người Cù lao Chàm cũng… làm du lịch và du lịch đã làm thay đổi làng chài, thanh niên chạy xe ôm chở khách, nhiều phụ nữ bày hàng ngay trên đường làng mời du khách. Cô hướng dẫn viên tên Đông cũng là người ở đây nhưng đã chuyển nhà ra phố Hội, hàng ngày đưa du khách về thăm quê. Điều đó còn thể hiện trong ngôi nhà mang tên Bảo tàng Cù lao Chàm với những hiện vật được làm hoàn toàn bằng… xi măng như cua, ốc và tấm bản đồ các đảo trong bàn kính cho thấy xã đảo khá vội vã để bắt kịp tốc độ du lịch hóa ngoài Hội An mà quên rằng Cù lao Chàm có những sản phẩm du lịch độc đáo của riêng mình cần được đầu tư khai thác. Đó là chiếc giếng cổ Chăm Pa có niên đại hơn 500 năm nước bây giờ vẫn mát ngọt và trong; ngôi chùa Hải Tạng tuổi đời 200 năm; đặc sản ốc vú nàng, cua đá, yến sào…
Tuy nhỏ nhưng với kết cấu vững chãi, tựa vào nhau, những ngôi nhà phố cổ vẫn tồn tại qua bốn trăm năm trước sức tàn phá của thời gian. Thế nhưng với kiểu làm du lịch hướng ngoại và trước sự du nhập ào ạt của văn hóa ngoại qua con đường du lịch, chiều nay ngồi bên sông Hoài, nhìn ghe thuyền ngược xuôi lòng tôi không khỏi băn khoăn, mai này Hội An ra sao?
Thanh Phong