Dọc các bậc thang của sông Sê San, sông Ba đều đã có sự hiện diện của các công trình thủy điện lớn. Các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để biến nguồn thủy năng thành điện năng.
Trữ năng thủy điện của Gia Lai theo thống kê khoảng 11 tỉ Kwh. Đây là lợi thế để tỉnh phát triển kinh tế-xã hội từ việc kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình thủy điện. Thực tế, ngoài các công trình do vốn Trung ương đầu tư, hàng ngàn tỉ đồng cũng đã được các công ty tư nhân bỏ ra để triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện. Tiêu biểu là Công ty Điện Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A…
Trên các bậc thang của dòng Sê San (có trữ năng thủy điện lớn nhất-P.V) từ nhiều năm qua đã được Trung ương đầu tư khai thác như thủy điện Ia Ly (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 3A (180 MW), Sê San 4 (360 MW). Những công trình này đều đã hoàn thành và đang vận hành, giải tỏa việc thiếu điện những năm qua. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các công trình thủy điện khác như: An Khê-Ka Nak, Sông Ba Hạ...
Thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: Trần Hiếu |
Những dự án có tính khả thi cao, đang được các nhà đầu tư tiến hành các thủ tục để triển khai mang lại hy vọng về nhiều mặt như tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự nêu rõ: “Không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Những thủy điện có công suất nhỏ nhưng lấy đi diện tích đất nhiều thì phải xem lại, có thể không cho đầu tư vì tính hiệu quả về kinh tế-xã hội. Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ giao cho các ngành chức năng rà soát, xem xét lại…”.
Sử dụng hiệu quả nguồn thủy năng nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển các ngành khác và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái-vấn đề được tỉnh hết sức quan tâm. Vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài đánh giá tác động môi trường của từng dự án cần có văn bản hướng dẫn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược tổng thể cho các dự án thủy điện trên các lưu vực sông. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương thay đổi một số tiêu chí về tần suất lũ thi công công trình thủy điện, về quy trình vận hành liên hồ chứa của các nhà máy thủy điện… Đối với một số dự án thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư như: Thủy điện Sông Ba Hạ, An Khê-Ka Nak, việc phê duyệt dự án không dừng ở giới hạn đền bù diện tích đất trong vùng dự án từ mực nước dâng bình thường trở xuống mà mở rộng đến vùng hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện trở xuống.
Việc phát triển các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới vừa là cơ hội nếu quản lý tốt nhưng cũng là thách thức khi thiếu quan tâm đến việc trồng lại rừng, đền bù giải phóng mặt bằng…
Trần Dũng