(GLO)- Thủy điện đã phát điện. Ích lợi ai cũng thấy nhưng những hệ lụy do nó gây ra cũng đã nhãn tiền. Gần nhất là những thiệt hại do nhà máy xả lũ mới đây. Những tồn tại xung quanh dự án quan trọng này như trong một thông báo của cấp thẩm quyền là: “Chúng ta làm không kỹ nên hậu quả trong công tác đền bù, tái định cư, định canh cho người dân vẫn chưa hoàn thành”. Thông báo cũng khẳng định và nêu quyết tâm hành động: “Chúng ta phải có trách nhiệm với dân”.
Trời xế bóng chúng tôi đến làng tái định cư Groi, tổ dân phố 20, thị trấn Kbang, huyện Kbang. Phía trái và phải con đường, làng Groi 1, Groi 2 nằm cách nhau không xa. Xa hơn về phía trước mặt độ chừng cây số là đập Ka Nak chất ngất. Trên khoảng đất lồi lõm nhỏ xíu, hơn 90 ngôi nhà sàn mái tôn thấp tịt, xúm xít, chen lấn, chật chội với hơn 400 con người tá túc. Đúng là chen lấn vì hầu như chẳng tìm đâu ra một khoảng đất trống để làm vườn.
Người dân làng Groi đang bức xúc trước việc thiếu đất sản xuất. Ảnh: T.S |
Tìm trưởng thôn, già làng (nhưng không thấy), trong khi nhiều người đang tụ tập uống rượu. Bok Vik-công an viên của làng cho biết: mùa này làng nghỉ. Với lại đang có đám ma (đám ma bé gái còn rất nhỏ). Nhưng dẫu gì thì thực tế, người làng đang sống dựa vào trợ cấp của thủy điện, do chưa được giải quyết đất sản xuất.
Trong làng đi ra mấy người phụ nữ lưng đeo gùi. Họ dừng lại khi nghe chúng tôi hỏi chuyện bok Vik. Đinh Hùng Việt (làng Groi 2) một chân bị liệt, phải dùng cây gỗ chống hỗ trợ di chuyển từ xóm dưới về, cũng dừng lại tham gia. “Không có đất, đất ngập hết rồi”-chỉ tay về phía con đập phía trước, một người phụ nữ cất tiếng. Theo lời Việt, làng vừa mất đất ở vừa mất đất rẫy. “Còn nước, còn đất là còn nồi cơm. Bây giờ thì không, đang sống nhờ nhà nước, sống nợ con buôn, 1 kg gạo nó tính thành 2”-Việt buông lời ngán ngẩm.
Công an viên tên Lộc từ đâu về kể thêm gia cảnh của Việt: “Thiệt hại của gia đình nó đã được bồi thường 35 triệu đồng, còn 18 triệu đồng hoa lợi thì chưa”. Cũng như nhiều gia đình trong diện thiếu đất sản xuất, gia đình Việt được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/nhân khẩu và 500 ngàn đồng. Cứ 3 tháng, Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 thông qua Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak cấp cho dân một lần. “Nhưng chẳng nhiều nhặn gì đâu. Đấy, hôm nay có người chết, mỗi bếp phải góp vào 500 ngàn đồng để làm đám ma. Người chết khổ, người sống cũng khổ quá!”-Vik bộc lộ.
Làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak sau đó, một cán bộ ở đây cung cấp: trong năm 2013, công ty đã cấp tổng cộng 33.570 kg gạo cho 65 hộ (con số này khác với báo cáo của làng, có thể số hộ trong làng tăng lên do mới tách hộ). Để hỗ trợ cho dân, Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 cũng đã làm việc với công ty tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ 652 ngàn ha rừng với khoản chi trả 130,4 triệu đồng. Ngoài ra, bà con còn có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng 43 triệu đồng, do công ty hỗ trợ. Việc chi trả tiền cho dân trên cơ sở danh sách được lập từ năm 2011.
Nhà, đất dành cho thủy điện nên nơi ở chật chội và thiếu đất sản xuất. Nhưng mà tiếc lắm, vì chỗ đất cao vùng lòng hồ còn chưa bị ngập, có thể trồng mì, bắp, vẫn còn cái ăn. Nhưng đường đi không có. Vòng sang Đak Smar thì xa hàng tiếng đồng hồ. Vậy là nhiều người “đánh đu” với số phận, cứ lên xuồng (chạy bằng máy cắt cỏ, phun thuốc sâu bé tí) để sang nơi đất cũ làm rẫy, bẫy chim. Không ít phụ nữ địu con đỏ hỏn đi theo. Ái ngại vô cùng, vì vùng ngập lòng hồ mênh mông, nhiều khi sóng to gió lớn.
Không chỉ khổ vì thiếu đất sản xuất, làng Groi còn cực bởi thiếu nước sinh hoạt. Không xa nơi chúng tôi ngồi hỏi chuyện là chiếc bồn lớn bằng i nốc đặt trên giàn cao có nhiệm vụ cấp nước, lấy từ giếng khoan gần đấy. Nhưng bok Vik cho biết: nước này chỉ để tắm rửa, giặt giũ, đun sôi để nguội bao giờ cũng có một lớp váng dày bên trên, mùi lại hôi. Bà con chủ yếu lấy nước ở các khe suối để làm nước ăn. Không hẹn mà gặp, một thanh niên người Kinh từ trong làng ra mang theo một vỏ bình nước uống-cho biết: đem trả vỏ bình này và mua bình nước khác về dùng.
Thất Sơn-Nguyễn Diệp