Bài 1: Đánh thức biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)- Xuân về, biên cương chỉ có cái nắng gắt của ngày và cái lạnh ngọt về đêm. Trên hành trình thăm các xã nghèo biên giới của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tận mắt chứng kiến những đổi thay và không khí rạo rực của người dân khi xuân về, đã xua tan những hoài niệm buồn về một thời nghèo đói. Biên cương bây giờ đã khác xưa…

Chiếc xe lắc lư, cuốn theo bụi mù, ì ạch vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo đưa đoàn chúng tôi đến với xã Ia Mơr ở phía Tây Nam, huyện Chư Prông. Với diện tích tự nhiên hơn 43.000 ha, Ia Mơr có 21,7 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, những năm trước nhắc đến xã Ia Mơr chỉ có ấn tượng nghèo, dân cư thưa thớt nằm lọt thỏm giữa đại ngàn bao la…

Đường vào Ia Mơr. Ảnh: Lê Anh
Đường vào Ia Mơr. Ảnh: Lê Anh

Cái nghèo và sự gian khổ của Ia Mơr ngày xưa tôi không tận mắt chứng kiến hay có những thời gian nếm trải, mà chỉ hình dung qua lời kể của ông Đoàn Minh Phụng- Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai: Năm 1988, xuất phát từ ngả ba Phú Mỹ (Chư Prông), do là mùa mưa, nên để đến được Ia Mơr, anh tài xế phải dùng dây xích quấn quanh các lốp chiếc xe u oát mới hy vọng vượt qua được những “đầm lầy”. Mất gần một ngày trời, khi ấy đoàn mới đến được trung tâm xã. Gọi là trung tâm cho oai, chứ cũng chỉ lưa thưa vài hộ dân từ Cao Bằng vào định cư, nhà cửa liêu xiêu làm bằng tranh tre, nứa lá. Xen giữa những cánh rừng là từng vạt bắp, chuối, mì, chuyện làm kinh tế chỉ có vậy, nên quanh năm người dân nơi đây cứ phải ăn cơm độn, sống giữa “rừng vàng” mà dân vẫn cứ nghèo…

Làng tái định cư ở Ia Mơr. Ảnh Bích Hà
Làng tái định cư ở Ia Mơr. Ảnh Bích Hà

Chuyến ghé thăm lần này, ông cũng không thể nhớ rõ là lần thứ bao nhiêu, nhưng Ia Mơr đã khác xưa nhiều. Trên con đường đến xã chỉ hai năm trước là những cánh rừng khộp nay đã thay vào đó là bạt ngàn cao su, xen lẫn một màu bàng bạc, cháy nắng của cây cỏ mùa khô. Dù vẫn nghèo, nhưng nhờ có con đường huyết mạch quốc lộ 14C, có Trung đoàn 710- là đơn vị Quân đội phát triển kinh tế thuộc Binh đoàn 15, nông trường cao su An Biên, Ban Quản lý Dự án Cao su Chư Sê, Nông trường Cao su Thanh niên Ia Mơr với hàng ngàn lao động và hàng trăm hộ dân vào định cư đã đánh thức tiềm lực kinh tế của xã Ia Mơr.

Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng bài bản, điện, đường, trường, trạm về tới tận làng đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ở đây, người dân vẫn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhờ sự trù phú của đất với nghị lực của con người nơi đây, cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các tổ chức xã hội, cuộc sống của người dân trên xã nghèo vùng biên được cải thiện.

Năm 2011, tổng giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã đạt gần 11 tỷ đồng, tổng thu nhập bình quân đầu người hơn 6,2 triệu đồng, tổng thu ngân sách cũng vươn lên đạt gần 2 tỷ đồng (đạt 112%), tỷ lệ hộ nghèo của Ia Mơr giờ chỉ còn hơn 30%. Những thông số ấy không cao, nhưng đó là kỳ tích nếu biết rằng Ia Mơr có xuất phát điểm thuộc diện nghèo nhất tỉnh.

Ảnh: Bích Hà
Hồ tiêu ở Ia Puch. Ảnh: Bích Hà

Chỉ vài năm nữa thôi, khi hàng ngàn ha cao su của các đơn vị đi vào khai thác, hàng trăm lao động nông nghiệp sẽ trở thành những công nhân, đời sống của người dân Ia Mơr sẽ đổi thay nhiều. Trong niềm vui chung, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr- Rơ Lan Chim không giấu được niềm tự hào: “Tại hội nghị sơ kết xây dựng nông thôn mới giai đoạn I, xã Ia Mơr được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bước đầu về xây dựng nông thôn mới năm 2011. Xã phấn đấu năm 2012, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 23,85%. Tết này, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng các đơn vị quân đội, đơn vị kinh tế và các ban ngành để nhân dân đón Xuân trong ấm no và bình yên…”.

Chia tay Ia Mơr, ngược phía Bắc để đến Ia Puch, nơi đây ngày trước cũng được xem là vùng đất khắc nghiệt với “ruồi vàng, muỗi bạc”. Hoài niệm buồn về một thời nghèo khó không ai đã từng sống ở Ia Puch muốn nhắc lại, nhưng cũng chẳng thể quên, vì đó là thực tế đã trải qua của những người đi trước để đem ra so sánh với hiện tại của vùng đất này… Ia Puch bây giờ cũng đã có đến 7.000 ha cao su của 5 đơn vị với hơn 1.000 lao động.

Ảnh: Bích Hà
Cao su tiểu điền ở Ia Puch. Ảnh: Bích Hà

Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế thông qua lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đã bắt đầu hình thành trên xã nghèo này, bỏ qua cuộc sống tự cung, tự cấp, thay vào đó là buôn bán, trao đổi hàng hóa để từng bước hội nhập theo kinh tế thị trường. Đồng thời đã giải quyết công ăn việc làm và ổn định cuộc sống cho người lao động địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Tổng thu ngân sách của xã đạt gần 2,1 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 4,2 triệu đồng/năm.

Có thể nói rằng, ngoài hơn 1.000 ha cây hồ tiêu, điều và các giống cây ngắn ngày… cây cao su đang mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế của người dân, những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi như Rơ Mar Hun, Kpui Dú, Siu Cheo… là những người đầu tiên của xã mạnh dạn đầu tư trồng cao su tiểu điền.

Đến nay, cả xã có 105 ha cao su tiểu điền của hơn 30 hộ dân, 136 lao động người đồng bào dân tộc thiểu số được nhận vào làm công nhân của các doanh nghiệp. Chính sự thay đổi trong nhận thức và các mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững của người dân, UBND xã Ia Puch mạnh dạn vạch ra lộ trình từ năm 2010-2015, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5%, thì trong tương lai không xa xã vùng biên Ia Puch sẽ thoát nghèo.

Không chỉ có Ia Mơr, Ia Puch mà những xã vùng biên trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được đánh thức sau giấc ngủ dài.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm