Kinh tế

Bài 1: Đất dự án "phơi trời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang được triển khai xây dựng nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại đa số các cụm CN-TTCN này đều trong tình trạng “đói” doanh nghiệp, “khát” nhà đầu tư.

Những dự án... trên giấy

 

Cánh đồng bạt ngàn chanh dây với những trụ tre hàng nối hàng xa tít tắp. Ảnh: Minh Triều

Ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai chia sẻ: Đầu năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng cụm TTCN huyện Ia Grai với diện tích 15 ha nằm giáp với tỉnh lộ 664.

Thế nhưng nhiều năm nay, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, chuẩn bị kỹ thuật đất đai, san nền... cũng chỉ nằm trên giấy. Tiếp đến, các dự án của doanh nghiệp đầu tư vào cụm CN này cũng trong tình trạng tương tự.

Ông Trung cho biết, năm 2010 có 22 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký cam kết đầu tư dự án vào cụm CN. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, trong số này chỉ có Công ty cổ phần Lâm Phát được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu. Nhưng rồi dự án cũng chẳng thấy đâu, doanh nghiệp thì không triển khai việc đầu tư xây dựng để đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ như đã cam kết.

Dự án được huyện Ia Grai phấn khởi trải thảm đón nhận nói trên chỉ tồn tại trên giấy được 3 năm thì bị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Vì thế những hộ bị thu hồi đất, được nhận tiền đền bù để trả lại mặt bằng cho dự án nay lại tiếp tục đầu tư chăm sóc cây cà phê trên chính mảnh đất của mình trước đây. Cùng với tâm trạng thấp thỏm, những hộ có đất nằm trong dự án nhưng chưa nhận được đền bù thì cũng chẳng dám đầu tư gì thêm, thậm chí bỏ hoang, vì không biết khi nào bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án thay thế khác vào đây.

 

Cụm công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku) nằm ở vị trí thuận lợi nhưng chỉ mới có 3 doanh nghiệp đã hoạt động, diện tích đất trống còn rất nhiều. Ảnh: Minh Triều

Khá hơn đôi chút, cụm CN-TTCN Đak Djrăng (huyện Mang Yang) nằm cạnh quốc lộ 19-với diện tích 15 ha-đã được đầu tư sẵn cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước cục bộ hơn 5 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, cụm CN-TTCN này vẫn chỉ là những bãi đất trống nhường chỗ cho cỏ dại mọc um tùm. Tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, có chăng chỉ là mấy đám mì, bãi chanh dây và bạt ngàn ớt của người dân tận dụng đất để cải tạo trồng hoa màu. Thậm chí còn xuất hiện cả những vườn cà phê, trụ tiêu của người dân sống quanh đó.

Ông Phan Lê Nguyên-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang cho biết: Năm 2013, UBND tỉnh có cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH An Đạt và Công ty TNHH một thành viên Quốc An Khang thuê đất để làm dự án nhưng do khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp này cũng chẳng có động thái gì gọi là đầu tư nên không lâu sau đó đã bị UBND tỉnh thu hồi lại đất.

Nhiều rào cản

Với mục đích phát triển kinh tế-xã hội, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất tại các cụm CN-TTCN, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương nên hầu hết các địa phương đều dành nhiều khu đất đẹp để quy hoạch dự án.

 

Dự án dài hơi nhưng chỉ đón nhận một vài doanh nghiệp. Ảnh: Minh Triều

Đơn cử như cụm CN-TTCN huyện Chư Pah được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2009 với tổng diện tích đất thu hồi là 52,545 ha. Trong đó, số tổ chức, hộ gia đình bị thiệt hại là 100 hộ (98 hộ và 2 tổ chức), tổng số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 6,1 tỷ đồng. Chi phí đầu tư san nền, đường giao thông nội bộ trong khu quy hoạch, cống thoát nước cũng “ngốn” gần 4 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, mặc dù huyện đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, nhưng hiện tại chỉ mới có vài doanh nghiệp đầu tư vào cụm CN-TTCN này, diện tích đất trống còn lại rất nhiều. Nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư vào đây khi mà cơ sở hạ tầng chưa có gì.

Tuy nhiên, dự án thiếu các nhà đầu tư còn có những lý do “tế nhị” khác. Theo báo cáo của UBND huyện Chư Pah, từ năm 2009 đến 2013 có 3 doanh nghiệp đã được UBND huyện thỏa thuận cho thuê đất xây dựng nhà máy chế biến cà phê, mua bán lâm sản; sản xuất gạch không nung; chế biến hàng mộc dân dụng. Nhưng theo các doanh nghiệp phản ánh thì do tỉnh chậm giải quyết nên các doanh nghiệp này không còn cơ hội đầu tư như dự án đã cam kết với UBND huyện.

Và cũng trong thời gian này có đến 18 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đặt vấn đề với huyện xin thuê đất xây dựng nhà máy với nhiều ngành nghề đa dạng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương... Thế nhưng, sự vui mừng, phấn khởi của chính quyền địa phương đến rồi đi cũng rất nhanh vì các doanh nghiệp này chủ yếu đến làm việc, nắm thông tin mà không thấy hồ sơ đăng ký gửi đến.

Câu hỏi đặt ra là, nếu chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ các bước thăm dò, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trước khi triển khai thực hiện dự án thì sẽ không có chuyện lập ra những cụm CN-TTCN như thế để rồi “bỏ hoang”?

Minh Dưỡng - Minh Triều

Có thể bạn quan tâm