Bài 1: Đâu rồi mỹ quan phố núi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo là phương thức cần thiết và có hiệu quả trong việc kinh doanh. Chính vì thế các hình thức quảng cáo ngày càng phong phú, đa dạng. Tại TP Pleiku, những năm gần đây, quảng cáo “bung ra như nấm”. Tuy nhiên, môi trường này lại đang khiến công chúng bức xúc vì tình trạng “loạn quảng cáo”.

 Khó có người làm ngơ và tập trung vào tay lái mỗi khi đi ngang cửa hiệu này vì chiếc biển hiệu quá bắt mắt. Ảnh: Lê Hòa
Khó có người làm ngơ và tập trung vào tay lái mỗi khi đi ngang cửa hiệu này vì chiếc biển hiệu quá bắt mắt. Ảnh: Lê Hòa

Dạo một vòng trên các con đường của tại TP Pleiku, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh. Từ quán nhậu đến cửa hàng thời trang, mắt kính… là cả một “rừng” biển quảng cáo giăng mắc vô tội vạ, bất chấp các quy định trong pháp lệnh quảng cáo. Nhìn vào “bộ mặt” thành phố, đâu đâu cũng nhếch nhác các loại biển quảng cáo, ước tính lên tới con số…khổng lồ! Ở đâu có mặt tiền rộng, đẹp, thông thoáng, thu hút sự chú ý của nhiều người thì ở đó quảng cáo… xuất hiện.
    
Ngay từ cửa ngõ vào nội thành TP Pleiku, dọc hai bên đường Trường Chinh vào tới đường Hùng Vương có rất nhiều tấm biển quảng cáo khổng lồ, chiếm giữ toàn vị trí đắc địa như: Siêu thị ô tô, cà phê Cảm, giảm sốc các mặt hàng quần áo... Hầu hết tất cả các không gian, mặt tiền nhà, ngõ, sân thượng, ban công đều được tận dụng treo biển quảng cáo với những cái tên lạ và độc : “A đây rồi! Cà phê Cảm”, “Hon da Kiss”, “Cà phê Độc”… Để tiết kiệm, nhiều cơ sở tận dụng hình thức quảng cáo "chui", chúng được "gắn" nhan nhản khắp các tường nhà, hàng rào, đủ màu sắc lòe loẹt, chi chít những con số. Sẽ chẳng khó khăn gì để đọc được một mẩu rao vặt khi xe dừng lại trước những cột đèn tín hiệu giao thông hay trên các cây xanh, sẽ loạn mắt với những nội dung “Cần tuyển nhân viên”, “Cần sang quán”, “Cho thuê mặt bằng”, “Cho thuê kho và cây xăng”… in bằng mực, thậm chí viết tay. Kiểu thông báo này đã trở thành một loại hình quảng cáo miễn phí khá lý tưởng.
    
Bảng hiệu của các doanh nghiệp, hộp đèn quảng cáo, bảng quảng cáo tấm lớn… đa số đều vượt quá kích thước, vị trí đặt không đúng quy định, che chắn toàn bộ mặt tiền nhà, không an toàn phòng cháy chữa cháy. Điển hình, dọc theo quốc lộ 14- Trường Chinh hay vào các tuyến đường trung tâm như Hai Bà Trưng, Trần Phú, Phan Đình Phùng sẽ bắt gặp hàng chục biển quảng cáo lớn nhỏ nằm xen lẫn trong khu dân cư có nhiều sai phạm, không đúng quy chuẩn, rách nát chỉ còn trơ lại khung hay sai lỗi chính tả vẫn vô tư án ngữ giữa trung tâm thành phố : biển quảng cáo Tisco, Rinnai (tại Hàm Rồng), “Lẫu bình dân”, “Mobiphone”, “VNPT” (đường Hùng Vương)… 

Phố quảng cáo trên đường Trần Phú. Ảnh Trần Dung
Phố quảng cáo trên đường Trần Phú. Ảnh Trần Dung

Hiện nay, các loại hình quảng cáo này vẫn đang tiếp tục gia tăng và biến tướng theo kiểu vô tư lắp đặt và mạnh ai nấy làm.

Việc đua nhau phô bày, tạo nên “rừng quảng cáo” như hiện nay đã làm cho nét thẩm mỹ của dịch vụ quảng cáo dần mất đi, thay vào đó là sự nhếch nhác, chằng chịt và bát nháo gây “nhức mắt” cho người dân và “đau đầu” các nhà chức trách.
    
Phức tạp và lộn xộn nhất vẫn là biển quảng cáo của các cửa hàng kinh doanh ở mặt phố. Loại biển quảng cáo này không theo một quy định nào, chúng đủ các loại màu sắc, kích cỡ khác nhau nên trông rất phản cảm. Tình trạng đua nhau làm quảng cáo của các hộ gia đình đã làm mặt đường phố thị trở nên rối loạn. Trong số đó, phần lớn, họ không nhận thức được rằng mình đang trưng bày biển sai phạm, gây mất mỹ quan đô thị.

1001... kiểu Quảng cáo rác. Ảnh Lê Hòa
1001... kiểu Quảng cáo rác. Ảnh Lê Hòa

Phổ biến là loại biển quảng cáo thường được treo ở các vị trí rất cao trên nóc các khu nhà cao tầng đông dân cư hoặc được dựng trên các tuyến đường lớn, đông người qua lại. Đáng ngại là sau một thời gian "dầm" mình trong mưa, nắng, đa phần các biển quảng cáo này đã cũ kỹ, rách nát, mất chữ… trông rất nhếch nhác; khung sườn sắt thường bị rỉ sét, biến dạng dường như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều tấm biển đã xệ xuống, chỉ còn dính “hờ hững” với khung giàn, treo lơ lửng trên đầu mọi người.
    
Có thể nói, quảng cáo ngoài trời mang lại cho các chủ cơ sở doanh thu lớn nên họ ra sức săn lùng địa điểm thích hợp, gây sự chú ý bằng cách phô trương đủ màu sắc sặc sỡ, kích thước quá khổ, thậm chí tận dụng mọi không gian để lấn át biển quảng cáo bên cạnh.
    
Hiện trạng quảng cáo tràn lan, vô tội vạ kiểu “rác trời” tại TP Pleiku đang ngày càng biến tướng và làm mất mỹ quan đô thị. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp "chăm sóc" để quảng cáo thực sự có tác dụng và giải tỏa nỗi lo lắng bức xúc cho cộng đồng, đảm bảo môi trường quảng cáo vừa có tính thẩm mỹ, vừa hấp dẫn và an toàn.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm