(GLO)- L.T.S: Mục tiêu chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su của tỉnh Gia Lai là tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế-xã hội trong vùng dự án. Nhưng khi dự án được triển khai, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã không thực hiện đúng cam kết tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số (gọi chung là lao động địa phương). Phóng viên Gia Lai online có bài phản ánh về thực trạng này.
Gần 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào dự án trồng cao su. Mới đây Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng một số ngành chức năng đi kiểm tra thì chỉ thấy một số doanh nghiệp trồng cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các công ty thuộc Binh đoàn 15 thực hiện đúng cam kết còn một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuyển dụng rất ít lao động địa phương.
Ảnh: Đinh Yến |
Một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho rằng, hiện nay cao su đang trồng trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên chỉ tuyển lao động thời vụ, khi cao su đi vào giai đoạn kinh doanh mới tuyển dụng lao động dài hạn. Một lý do khác được đưa ra là hiệu quả lao động của người địa phương thấp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động còn hạn chế.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng: Lao động địa phương từ trước đến nay đã quen với việc canh tác tự do, khi được tuyển dụng vào làm công nhân cao su bước đầu chưa quen với những yêu cầu chặt chẽ về kỹ thuật, thời gian, mùa vụ. Mặt khác, điều kiện sinh hoạt của lao động địa phương còn quá nhiều hạn chế, các dự án đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đường sá đi lại khó khăn, khoảng cách từ thôn làng đến các dự án là khá xa, người lao động vào làm việc không có chỗ ăn, ở ổn định, không có trạm y tế chăm sóc sức khỏe, trong khi tiền lương đơn vị trả thấp, không đảm bảo điều kiện sống nên nghỉ việc.
Bên cạnh đó, người lao động ở các khu vực này đều có nương rẫy, nên họ không mấy thiết tha vào làm lâu dài trong các dự án trồng cao su. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị trồng cao su nên lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Như vậy, vô hình trung việc tuyển dụng lao động trong vùng dự án rất khó khăn hoặc lao động địa phương có nhu cầu làm việc nhưng các quyền lợi không đảm bảo nên họ thấy chán đã bỏ dự án.
Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho thấy, việc tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc dài hạn trong các dự án trồng cao su thấp hơn so với số lượng lao động cần tuyển dụng theo diện tích cao su mà các doanh nghiệp đã triển khai trồng mới là 1.684/4.509 người (chỉ đạt tỷ lệ 37,3%).
Riêng tỷ lệ lao động địa phương được các doanh nghiệp tuyển dụng mới đạt 22,3% (1.005/4.509 người) so với số lao động cần tuyển dụng vào dự án. Số lao động người dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác chuyển đến Gia Lai làm việc trong dự án chiếm tỷ lệ cao hơn so với số lao động địa phương đã được tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai, Công ty TNHH Phúc Cường, Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai… chưa thực hiện tuyển dụng lao động địa phương, đặc biệt, Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai không có chủ trương tuyển dụng lao động địa phương vào làm dự án đến trước năm 2014.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh kêu khó tuyển dụng lao động địa phương nhưng khi tới mùa vụ thì các doanh nghiệp này chỉ thuê mướn lao động thời vụ ở các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Tre… vào làm việc trong dự án. Như thế, các doanh nghiệp không phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhìn nhận: Việc tuyển dụng lao động thời vụ vào làm trong dự án trồng cao su của một số doanh nghiệp là trái với chủ trương của tỉnh. Chủ trương của tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp cam kết khi triển khai dự án trồng cao su là phải ưu tiên tuyển dụng lao động dài hạn, nhất là việc tuyển dụng lao động người địa phương vào làm việc (ít nhất phải đạt 50%) để giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Đây là chủ trương chính trong việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su. Còn nếu trong quá trình tuyển dụng lao động địa phương có dự án khó khăn thì thực hiện tuyển dụng lao động ở các xã khác trong huyện; nếu vẫn thiếu lao động thì thực hiện tuyển dụng lao động ở các địa phương khác trong tỉnh. Phải hạn chế tuyển dụng lao động ngoài tỉnh.
Đinh Yến
Việc thực hiện triển khai dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, các doanh nghiệp đã tham gia thực hiện được 22.543,9 ha. Tính theo mức trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, mỗi người lao động được giao khoán 5 ha cao su để chăm sóc thì tổng số lao động cần tuyển dụng vào làm việc dài hạn trong các dự án trồng cao su thời kỳ kiến thiết là 4.509 người, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ tuyển dụng được 1.864 lao động, trong đó lao động địa phương là 1.005 người. Riêng năm 2012 các doanh nghiệp cần tuyển dụng là 1.775 lao động, trong đó lao động địa phương là 1.516 người. |