(GLO)- Thiếu vốn được coi là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Thực tế này đang đặt ra vấn đề phải giải quyết ách tắc trong dòng vốn ngân hàng-doanh nghiệp.
Tăng trưởng chậm
Khó khăn về vốn gần như là tất yếu khi ngân hàng không bơm tiền ra nền kinh tế. Sức chịu đựng đã vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Đồng vốn ngân hàng thắt chặt do chính sách tiền tệ, công trình tạm dừng vì cắt giảm đầu tư công, sức tiêu thụ kém dẫn đến hàng tồn kho lớn; rồi nguyên tắc bảo toàn đồng vốn, thẩm định hiệu quả dự án lại bị các ngân hàng siết chặt hơn...
Nhiều doanh nghiệp cố gắng cầm cự trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn. |
Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không cầm cự được trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, con số này tại Gia Lai là hơn 200 doanh nghiệp. Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn-Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ làm cho doanh nghiệp khó khăn.
Nhưng, không phải hoàn toàn từ chính sách, phải nhìn nhận khó khăn xuất phát từ bản thân doanh nghiệp. Hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, tăng trưởng tín dụng thấp, vậy thì thời gian qua lượng tiền cho doanh nghiệp ít đi là đúng. Theo ông Tuấn, tăng trưởng tín dụng của Gia Lai đạt khá so các địa phương khác. Chính sách “siết rồi buông”, “buông rồi siết” tạo ra cơ chế sàng lọc. Qua sàng lọc, những doanh nghiệp nào “sống” được thì có cơ hội phát triển.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng vốn đã tập trung cho doanh nghiệp trong những tháng đầu năm, thể hiện dư nợ cho doanh nghiệp tăng 8,5%, trong khi tổng dư nợ chỉ tăng 2,8%. Mặc dù tình hình huy động vốn của các ngân hàng gặp khó khăn, nhưng dòng vốn cung ứng cho doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực ưu tiên cơ bản đáp ứng được.
Phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Doanh nghiệp khó đủ sức cầm cự khi thiếu vốn ngân hàng. Song, làm thế nào cũng phải đảm bảo hoạt động có lãi mới đủ sức nuôi sống doanh nghiệp, ổn định công ăn việc làm cho công nhân. Những doanh nghiệp nào có khả năng vực dậy ngân hàng nên giải quyết vốn vay. Giúp doanh nghiệp là ngân hàng tự giúp mình. |
Ông Lâm Quốc Vinh- Giám đốc BIDV Gia Lai cho biết: 82% vốn vay của chi nhánh dành cho doanh nghiệp, tương đương 5.641 tỷ đồng/6.874 tỷ đồng tổng dư nợ. Vốn ngân hàng chỉ là vốn bổ trợ, không phải là nguồn vốn chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng, do đó nguồn tài chính dự phòng không có, rủi ro về đầu tư tín dụng lớn.
Ngân hàng rất mong muốn cùng doanh nghiệp ngồi lại với nhau, thẳng thắn giải quyết cụ thể từng vấn đề, nhằm đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, giải quyết nợ đọng… Từ đó, có thể đẩy mạnh cho vay, cơ cấu lại nợ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này-ông cho biết thêm.
Ảnh: Minh Thi |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai: Hiện có 1.519 doanh nghiệp đang còn dư nợ tại các ngân hàng trên địa bàn (tăng 8,5% so đầu năm). Số doanh nghiệp được tiếp cận vốn chiếm một nửa số doanh nghiệp đang hoạt động với dư nợ vay là 15.361 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 28.300 tỷ đồng. Doanh nghiệp ở một số ngành có dư nợ vay cao gồm: sản xuất và phân phối điện (3.974 tỷ đồng của 37 doanh nghiệp), nông nghiệp (3.121 tỷ đồng của 141 doanh nghiệp), thương mại (2.656 tỷ đồng của 597 doanh nghiệp), xây dựng (1.934 tỷ đồng của 268 doanh nghiệp), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (1.304 tỷ đồng của 80 doanh nghiệp).
So với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, vốn tín dụng cơ bản đáp ứng, song 7 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mặc dù cao so cả nước nhưng vẫn ở mức thấp. Ngân hàng thừa vốn nhưng không mạnh dạn đầu tư, sợ rủi ro tín dụng khi mà tình hình kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Thảo Nguyên