Công ty Cà phê Chư Pah nguyên trước đây là Xí nghiệp Cà phê trực thuộc UBND huyện Chư Pah (Gia Lai) được thành lập vào năm 1986. Ban đầu Xí nghiệp chỉ có 43 ha cà phê với số vốn là 14,2 triệu đồng. Năm 1994, Xí nghiệp được chuyển giao về UBND tỉnh quản lý, đến năm 1997 được đổi tên thành Công ty Cà phê Chư Pah và được UBND tỉnh cấp vốn lên 4.279.612.000 đồng (trong đó vốn lưu động là 300 triệu đồng còn lại là vốn xây dựng kiên cố hóa kênh mương).
Hơn 20 năm xây dựng một thương hiệu nhưng do quản lý lỏng lẻo, đến nay Công ty Cà phê Chư Pah đang đứng bên bờ vực phá sản với hàng đống nợ ngân hàng, bảo hiểm cho người lao động, công nhân sống lay lắt bởi không có lương.
Công ty được UBND tỉnh giao hơn 834 ha đất với gần 727 ha là đất nông nghiệp trồng cà phê, còn lại là đất sử dụng vào các mục đích khác (đất làm nhà, đất thủy lợi, đất xây dựng cơ bản…). Trong tổng diện tích đất đang sử dụng, Công ty đã giao khoán dưới 4 hình thức: Khoán gọn cho người lao động không trả lương và người lao động tự đóng bảo hiểm hơn 371 ha; khoán theo định mức có trả lương mà Công ty đầu tư 100% vốn gần 160 ha; khoán đất mà người sử dụng tự đầu tư chi phí và nộp tiền thuê đất, phí thủy lợi 125 ha (giao khoán theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ); khoán cho các hộ có nhu cầu bởi đề nghị của UBND các xã (giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ)…?
Song dù giao khoán nhưng Công ty cũng đã thế chấp diện tích này cho ngân hàng gần 804 ha. Trong đó, tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai 152,4 ha và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển- Chi nhánh Gia Lai 651,36 ha.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các khoản phải thu hàng năm của Công ty luôn thấp hơn các khoản phải trả dẫn đến lợi nhuận luôn âm. Thực chất, phần lớn lợi nhuận của Công ty có được từ khấu trừ tài sản cố định và tài sản bán vườn cây.
Theo kết luận thanh tra, công nợ phải thu của Công ty đến 30-9-2010 là trên 14,2 tỷ đồng (nợ thu khoán sản phẩm trên 12,7 tỷ đồng và nợ phải thu khác trên 1,4 tỷ đồng); tổng dư nợ phải trả đến 31-12-2009 là trên 43 tỷ đồng (vay ngân hàng gần 25 tỷ đồng, vay đối tượng khác trên 1,7 tỷ đồng, người ứng tiền mua cà phê trên 12,8 tỷ đồng, nợ tiền mua vật tư phân bón trên 3 tỷ đồng và nợ khác trên 400 triệu đồng).
Thế chấp vườn cây của người nhận khoán
Diện tích đất giao khoán theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP và đất có vườn cây đã giao khoán cho các hộ theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP thực chất là vườn cây của các hộ nhận khoán nhưng Công ty đã đem thế chấp ngân hàng có thể dẫn đến tình trạng các hộ dân có nguy cơ mất tài sản, vườn cây nếu Công ty không trả được nợ do bị phát mãi.
Hơn nữa, trong quá trình nhượng bán và giao khoán một số diện tích vườn cây qua các năm, Công ty đã làm giảm diện tích cà phê so với ban đầu. Nhưng điều đáng nói là khi tiến hành bán, thu hồi giá trị vườn cây (tài sản gắn liền với đất) qua các năm Công ty không thực hiện đúng thủ tục pháp lý khi chưa được sự cho phép của UBND tỉnh về quy chế quản lý tài chính theo Thông tư số 33/2005/TT-BTC ngày 29-4-2005 của Bộ Tài chính và Nghị định số 199/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặt khác, Công ty thực hiện phương án khoán bằng hình thức định giá trị vườn cây, tổ chức thu tiền một lần, xuất hóa đơn bán hàng, đồng thời đã hạch toán giảm giá trị vườn cây trên sổ sách kế toán nhưng số tiền thu được lại hạch toán vào thu nhập khác; chênh lệch tăng giữa giá trị thu hồi so với giá trị còn lại của vườn cây Công ty lại hạch toán bù vào khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh cà phê hàng năm. Điều này trái với Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 102 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ngoài ra, Công ty cũng chưa tiến hành xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản công nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc thu hồi, thanh toán nợ, đặc biệt là công nợ phải thu quá hạn trả, không có khả năng thu hồi dẫn đến mất vốn; không kịp thời xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi… theo quy định tại quy chế quản lý tài chính hiện hành dẫn đến công nợ phải thu hàng năm còn tồn đọng lớn, làm thiệt hại của Nhà nước do không có khả năng thu hồi là 8,037 tỷ đồng.
Lê văn Nhung