TN - Đất & Người

Bài 1: Làng Bung qua ký ức của một cựu du kích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy, nhân dân các dân tộc Gia Lai luôn thủy chung, son sắt một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, kiên trung đánh đuổi kẻ thù giữ đất, giữ làng. Nhiều địa danh, con người ở Gia Lai đã trở thành huyền thoại.
 

Nhà rông-văn hóa làng Bung. Ảnh: P.D

Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng 3, chúng tôi ngược về làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) với mong muốn hiểu biết thêm về quá khứ hào hùng của làng trong những năm kháng chiến. Và thật may mắn, trong ngôi nhà sàn truyền thống, già Đinh Puih-một cựu du kích-đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện kiên trung của người dân làng Bung.

Bước sang tuổi 72, song bước chân của già Đinh Puih vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Già bảo, cách đây chưa lâu, già cùng với con trai trở lại thăm làng cũ, ngôi làng nằm bên bờ suối Mú cách làng Bung hiện tại chừng 10 km. “Năm 1976, người dân làng Bung bắt đầu rời làng cũ về định cư tại khu vực Gò Dạ (làng Groi 1 bây giờ) để tiện cho việc sinh hoạt, sản xuất. Mãi đến năm 1982, làng mới định cư tại đây”-già Puih cho biết.

Nhắc lại những năm tháng tham gia du kích xã A8 (nay là xã Ya Hội), ánh mắt già Puih như sáng lên niềm tự hào. Già kể: Những năm 1967-1970, người dân làng Bung không sống nhà sát nhà như bây giờ mà được chia thành nhiều bếp (mỗi bếp là một hộ) nằm cách xa nhau để tránh bị địch phát hiện và tập kích. Lúc bấy giờ, bọn địch chiếm đóng trên đồi Pril cách làng vài km và vào làng để lùng sục bắt bớ. Tuy nhiên, lần nào bọn địch vào làng cũng gặp cảnh “vườn không nhà trống”, khiến chúng vô cùng tức giận. Không bắt được người, chúng uống rượu, đập phá và giết hết gia súc, gia cầm trong làng. Sau mỗi lần như thế, bà con lại phải bắt tay vào xây dựng mọi thứ lại từ đầu. “Có thời điểm, người dân trong làng chẳng có gì để ăn ngoài lá và quả của một số loại cây rừng, muối thì thường xuyên phải thay thế bằng rễ tranh. Dù đói khổ song dân làng vẫn luôn một lòng theo Đảng, theo Bok Hồ, kiên trì bám làng, hăng say lao động sản xuất lấy lương thực nuôi bộ đội đánh Mỹ. Cứ có lon gạo hay củ mì, bà con đều dành lại phân nửa đem vô rừng để nuôi bộ đội”-già Puih kể.  

Trong cuộc chiến để bảo vệ dân làng đã có không ít du kích của làng Bung, của xã A8 ngã xuống khi tuổi mới 18, đôi mươi. Nhắc đến đây, giọng già Puih bỗng chùng xuống và ký ức về những đồng đội năm xưa như chợt ùa về. Già bảo, trong số các du kích đã hy sinh, già nhớ nhất là người đồng đội, liệt sĩ Đinh Ngum. “Vào buổi sáng đầu năm 1967, Ngum và một du kích nữa vào rừng hái rau. Đi một lúc, cả hai phát hiện phía trên đầu có máy bay của địch đang quần đảo. Ngay lập tức cả hai vội ngụy trang bằng lá cây và tìm những gốc cây to để ẩn nấp. Một lúc sau, thấy tình hình có vẻ yên ắng trở lại, cả hai lại tiếp tục công việc. Song họ không thể ngờ, vẫn còn một tổ phục kích của địch đang bao vây xung quanh. Vì vậy, vừa rời khỏi nơi ẩn nấp, cả hai đã bị địch bắn, một du kích bị thương nhưng vẫn cố chạy thoát, riêng Đinh Ngum thì hy sinh”-già Puih nghẹn ngào.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh và các ngành về thăm căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang) năm 2015. Ảnh: Nhật Cường

Hay tin Đinh Ngum hy sinh, tất cả du kích của xã đã nhanh chóng tập hợp tìm quân địch trả thù, đồng thời tìm kiếm thi thể đồng đội. Già Puih nhớ lại: “Đến nơi, chúng tôi tổ chức chôn cất Ngum ngay tại khu vực gần suối Mú và đánh dấu nơi chôn cất bằng một ghè rượu bên cạnh gốc cây bằng lăng”.    

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người dân làng Bung bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng buôn làng. Đến nay, làng Bung có 45 ha bắp hai vụ, 32 ha mía, 7,5 ha lúa và đàn bò khoảng 160 con… Đời sống của bà con trong làng được cải thiện, 100% hộ dân được sử dụng điện thắp sáng và nguồn nước hợp vệ sinh; 100% người dân trong làng được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám-chữa bệnh miễn phí... Làng cũng có lớp mẫu giáo và điểm trường đáp ứng nhu cầu dạy và học cho con em trong làng… Tuy nhiên vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, làng Bung vẫn còn 32 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Nói về nguyên nhân nghèo, Trưởng thôn Đinh Văn Gòn cho rằng: Việc trồng trọt, chăn nuôi của bà con vẫn còn lạc hậu, chưa chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật; nguồn nước dẫn vào đồng ruộng chủ yếu vẫn lấy từ các khe suối chứ chưa có công trình thủy lợi; các tuyến đường nội đồng đi lại rất khó khăn, giá cả nông sản thì bấp bênh… Trưởng thôn Đinh Văn Gòn cũng đề nghị: “Thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông cũng như phổ biến tiến bộ khoa học-kỹ thuật để giúp bà con phát triển kinh tế”.

Nhóm P.V Chính trị-Xã hội

Có thể bạn quan tâm