Chính trị

Tin tức

Bài 1: Người Tây Nguyên ơn Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Ngày 9-12-2012, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết-TP. Pleiku-Gia Lai sẽ khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”. Đây là việc làm nhằm thỏa lòng mong ước của nhân dân Tây Nguyên được đón Bác về với cao nguyên hùng vỹ. Nhân dịp này, Báo Gia Lai giới thiệu đến độc giả loạt bài viết “Bác Hồ trong lòng người Tây Nguyên”.

Từ người già cho tới trẻ, từ miền ngược tới miền xuôi, nhắc tới Bác Hồ thì ai ai cũng biết. Người sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Với người Tây Nguyên cũng vậy, dù rằng, chưa một lần Người đến Tây Nguyên. Và dù rằng, Người đã đi xa hơn 43 mùa rẫy… Vậy nhưng, tình cảm của những người con Tây Nguyên với Bác thì vẫn sáng mãi đời đời.
 

Ảnh: Minh Dưỡng

Bác Hồ-nguồn cảm hứng vô tận

Trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh Bác cao đẹp, thiêng liêng mà gần gũi. Bác ngự trị trong lòng mỗi người dân đất Việt bằng một tình cảm kính yêu của những người con với một vị lãnh tụ-người cha già của dân tộc. Khó có thể kể hết, có bao nhiêu tác phẩm thi, nhạc, họa lấy cảm hứng từ Bác nói chung và tình cảm gắn bó giữa Bác với người dân Tây Nguyên nói riêng. Đề tài về Người với mảnh đất, con người Tây Nguyên đã khiến không biết bao nhiêu tâm hồn nghệ sĩ phải rung động, thổn thức thành những lời ca, điệu nhạc, vần thơ lay động lòng người.

Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ đầu tiên ở Tây Nguyên cũng chính là viết về Bác Hồ. Đó là bài hát “Đêm thao thức” của nhạc sĩ người dân tộc Jrai Kpă Púi. Bài hát được sáng tác vào năm 1955, bằng chất liệu dân ca Hrê với những ca từ mộc mạc, tha thiết: “Tây Nguyên đã đứng lên bước theo Bok Hồ giữ gìn quê hương” hay “Mắt Cha sáng long lanh thương yêu nhìn thấu lòng muôn người”. Ca khúc sau này đã được ca sĩ Tường Vy viết lời mới với tên gọi “Gửi tới Bác Hồ” cũng thu được rất nhiều thành công, được đi biểu diễn tại nhiều sự kiện trong và ngoài nước.
 

Tranh Xu Man.

Tiếp đến có thể kể đến những ca khúc như: “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh), sáng tác trên nền chất liệu của dân ca Jrai, hay “Cô gái Pa Cô” (Huy Thục), “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác” của tác giả Doãn Nho với những ca từ khỏe khoắn, hừng hực khí thế chiến đấu và giành chiến thắng “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, tiến lên toàn thắng ắt về ta”.

Sau ngày Bác đi xa, vẫn có rất nhiều nhạc sĩ khai thác về đề tài này. Nổi bật trong số đó có ca khúc “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của nhạc sĩ Lê Lôi, phổ theo lời thơ của chàng thiếu sinh quân tập kết ra Bắc-Kpă Y Lăng. Ngay khi mới ra đời, ca khúc đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của thính giả và trở thành “hiện tượng” trong làng âm nhạc thời đó. Những ca từ giản dị, mộc mạc mang đậm hơi thở cuộc sống và dấu ấn của Bác trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng người Tây Nguyên đi vào bài hát một cách vô cùng tự nhiên, đầy ngẫu hứng: “Bác Hồ sống mãi bên từng mái nhà, từng nương rẫy, trong điệu sáo, tiếng đàn T’rưng”.
 

Bài 2: …Dù rằng Bác chưa một lần đến với mảnh đất bazan bạt ngạt của núi rừng Tây Nguyên-dù rằng chỉ gặp Bác trong lời ca tiếng hát, qua lời kể của những người may mắn được gặp Bác và rồi “Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở”-Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã hình thành từ niềm mong mỏi ấy.

Nhân sự kiện khởi công xây dựng công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, nhạc sĩ Văn Chừng đã viết ca khúc “Bác Hồ trong lòng người dân Tây Nguyên”. Ngoài ra, còn có thể kể đến một số tác giả, tác phẩm âm nhạc khác, như: Nghe thư Bác Hồ (Phạm Cao Đạt), Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên (Phạm Mạnh Trí), Nam Tây Nguyên nhớ Bác (Hà Huy Hiền),… nhạc sĩ Lê Xuân Hoan có bài “Chiều mưa nhớ Bác” và “Lời Bác mãi khắc trong tim”. Nếu các nhạc sĩ đã khai thác khá triệt để chất liệu dân ca truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên như: Mạ, Ê Đê, Bahnar, Jrai… thì nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-một người con xứ Nghệ sinh sống và lập nghiệp tại Gia Lai lại sử dụng chính chất liệu âm nhạc dân ca xứ Nghệ quê hương để sáng tạo nên tác phẩm âm nhạc của mình viết về Bác.

Đặc biệt trong công trình nghiên cứu về thang âm, điệu thức trong dân ca Bahnar mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều tác phẩm dân ca của người Bahnar ở một số vùng thuộc phía Đông của tỉnh Gia Lai còn lưu giữ nhiều bài hát dân ca nói về Bác Hồ. “Có thể nói, Bác Hồ in dấu đậm nét trong lòng người dân Bahnar nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Trong các bài hát này, Bác hiện lên với vẻ đẹp của sự thông minh, rắn rỏi qua những ca từ rất mộc mạc, thô ráp với âm điệu đặc trưng của người Bahnar. Đáng chú ý là trong một vài bài còn nhắc đến Bác Hồ trong đó gắn liền với hình ảnh đất nước, người dân Tây Nguyên và nhớ đến công ơn của Liên Xô (tác phẩm Nă Ho chă đon)”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai, cho biết.

Không chỉ hiện hữu trong âm nhạc, Bác Hồ chính là đề tài gợi nguồn cảm hứng cho họa sĩ tài hoa Xu Man-một người con dân tộc Bahnar. Gần 100 tác phẩm vẽ về Bác Hồ, trong đó có những bức khắc họa một cách sinh động, chân thực cảnh Bác Hồ gặp gỡ, sinh hoạt với bà con Tây Nguyên, dù Bác chưa một lần đến đây: “Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên”, “Nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Đón Bác về Tây Nguyên”… Họa sĩ Xu Man từng chia sẻ rằng: “Tôi yêu nhất Bác Hồ, không có Bác, có Đảng thì đâu có đời tôi hôm nay”. Rất nhiều nhà thơ, nhà văn ở Tây Nguyên chọn viết về Bác làm đề tài sáng tác. Có thể điểm qua một số bài thơ như: “Một thoáng làng Sen”, “Nhớ Bác” của nhà thơ Văn Công Hùng...

“Cho con góp 79 bậc thang…” (*)

Ngay sau khi Bác mất, Bộ Chính trị có kế hoạch xây lăng làm nơi an nghỉ cho Người và có gợi ý mỗi tỉnh miền Nam nên có một đặc sản góp phần xây lăng Bác. Xã Hà Nừng của khu I khi đó (nay là xã Sơn Lang và Sơ Pai-huyện Kbang, Gia Lai) vốn là vùng rừng núi bạt ngàn, nổi tiếng có nhiều loại gỗ quý. Tỉnh ủy Gia Lai khi ấy cũng đứng chân ở đây, quyết định chọn hiến tặng những cây gỗ trắc để đưa ra Hà Nội xây lăng Bác.

Ông Đinh Văn Lực (làng Đak A Sêl-xã Sơn Lang-huyện Kbang)-một trong những người tham gia đoàn đốn và đưa gỗ trắc ra xây lăng Bác, kể lại: “Ngày làm lễ phát động, cả xã vui như trẩy hội. Có cồng chiêng, múa xoang rộn rã lắm. Đồng chí Ksor Ní bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai chính là người chặt nhát rìu đầu tiên làm lễ phát động phong trào tìm trắc xây lăng Bác”. Hà Nừng là căn cứ cách mạng, là vùng “đất thép” với những con người yêu cách mạng, làm cách mạng nhiệt tình. Khi được góp gỗ xây lăng Bác, bà con ai nấy đều cảm thấy tự hào vì đã vinh dự được góp phần nhỏ bé của mình để làm nơi an nghỉ cho lãnh tụ muôn vàn kính yêu.
 

Gốc trắc-mầm sống vẫn bền bỉ dù gần 40 năm qua thân cây chính đã góp phần làm lăng Hồ Chủ tịch. Ảnh: Lê Hòa

“Lúc đó, tôi chừng 20 tuổi, tham gia trong đoàn xã. Chỗ làm lễ phát động tìm gỗ xây lăng Bác được tổ chức chính ngay dưới một gốc trắc rất to tại làng Đak A Sêl và chính cây này là cây được chặt hạ đầu tiên, ngay trong buổi lễ. Chủ trương của tỉnh là phải chọn những cây gỗ trắc thật đẹp, thẳng”-ông Đinh Văn Lực, kể lại.

Lực lượng phải huy động cả khu I, cả các cơ quan tỉnh lúc bấy giờ, trong đó chủ yếu vẫn là người dân Hà Nừng. Nhiệm vụ phân công rất rõ ràng, phụ nữ và người lớn tuổi ở nhà tham gia sản xuất, thanh niên trai tráng ngày ngày đem cơm theo đoàn lên các ngả rừng quanh xã tìm những cây trắc to nhất, đẹp nhất để đốn về. Khó khăn muôn vàn-thế nhưng, tình yêu dành cho Bác, niềm tự hào về một ngày nào đó, những khối gỗ trắc này sẽ góp phần làm thành nơi yên nghỉ cho Người lại thôi thúc anh em, tiếp thêm cho họ sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà dân làng đã tin tưởng giao phó.

“Mỗi khúc gỗ đường kính chừng 60-70 cm, dài 5-7 mét được đẽo vuông vức. Tổng cộng có khoảng hơn 50 khúc như vậy được bà con chặt hạ tập kết về khu vực ngã tư làng Đak Tơng Long đưa ra thủ đô Hà Nội-nơi Người đang an nghỉ. Thật khó để lý giải, vì sao và sức mạnh nào đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chặng đường kéo gỗ gần 30 cây số, toàn là đường rừng, lối mòn, không xe cộ và phương tiện hỗ trợ. Gỗ nặng, đường khó đi, anh em thiết kế ra “xe chuyên dụng” được làm bằng những thân cây tròn, to cỡ bằng bắp chân để làm “bánh xe”, rồi lấy dây rừng buộc vào đó kéo để lăn khối gỗ đi. Có đoạn đường khó, mỗi ngày chỉ nhích được chút xíu. Đi tới đâu, bà con ở đó cũng kéo ra vừa giúp sức, vừa để động viên anh em. Vui lắm!-ông Lực, kể.

Những người con Hà Nừng ngày đó góp công sức vào việc tìm trắc xây lăng Bác năm 1974 giờ người còn, người mất… Ông Lực điểm lại những cái tên: Đinh Văn Đoàn, Đinh Krang, Đinh Má, Đinh Xeng, Đinh Hnơng, Đinh A Nhách, Đinh A Nhơm, Đinh A Nhích… “Vậy mà thấm thoắt đã gần 40 năm rồi. Những khối gỗ trắc ở cánh rừng Hà Nừng ngày ấy giờ ngày ngày được ở cạnh Người. Người dân Hà Nừng cũng có cái để kể, để tự hào với con cháu, rằng cha ông mình đã có công góp phần xây lăng…”-ông Lực chậm rãi.

Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-ông Đinh Vong, kể lại rằng: Khi ấy ông mới chỉ là cậu bé lên 10, tham gia đội cồng chiêng của làng trong lễ phát động. “Với người dân Sơn Lang hôm nay, đó là một huyền thoại. Một huyền thoại đáng để tự hào. Những thân trắc cách xa ngàn dặm, lớn lên bằng nguồn nước, thớ đất Sơn Lang này đã và đang hiện hữu nơi “mặt trời hồng” yên nghỉ”-Đinh Vong tự hào nói.

… Như một sức sống diệu kỳ và bền bỉ đến không ngờ, nơi hàng chục gốc trắc ngày xưa chặt hạ để lấy gỗ xây lăng, vẫn còn một gốc trắc kiên trì sống và bung những mầm chồi mới, dù đã qua bao đổi thay… Và, nghe đâu rằng, người dân sau bao lần phát nương làm rẫy, thậm chí là máy xúc ủi, đào để làm ruộng lúa nước, những nhánh rễ trắc ấy vẫn cứ bung lên, một thân cây lớn chừng bằng bắp vế người lớn đang tồn tại. Và chúng tôi có ý rằng, xã hãy gắng bảo quản cái cây ấy, vì “trắc mẹ” đang ở trong lăng và đây là mầm sống, là chứng tích của một sự kiện không hề nhỏ của làng, của xã cách mạng “nòi” này…

Minh Dưỡng - Lê Hòa - Hồng Thi

(*): Lời trong bài hát “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên” của tác giả Văn Chừng.

Có thể bạn quan tâm