Bài 1: Những gánh hàng rong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Theo khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thức ăn đường phố là những thức ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên vỉa hè, lề đường ở các đường phố, khu phố đông người hoặc những nơi công cộng khác. Ở nước ta nói chung, Gia Lai nói riêng, thức ăn đường phố hiện diện ở khắp mọi nơi, từ những gánh hàng rong đến những quán ăn bình dân bên đường, những xe hàng di động được đem đến tận các hang cùng ngõ hẻm khi có nhu cầu của thực khách.

Một đôi quang gánh với đôi thúng hàng, trong đó có thể là nồi sữa đậu nành hay mẻ bắp luộc đang nghi ngút khói, những tệp bánh hỏi, bánh ướt dậy mùi, những mặt hàng trái cây tươi mọng...  kĩu kịt trên những đôi vai người phụ nữ tảo tần có mặt trên khắp mọi nẻo đường. Về mặt nào đó, hàng rong cũng là một nét văn hóa, nó gợi lại hình ảnh về những làng nghề, nghề ấy có thể đã mai một. Và chính nó cũng là nguồn sống của cả một gia đình, là giấc mơ về một cuộc sống đủ đầy của những người cha, người mẹ, là khao khát được học hành của những đứa con…

 

Bà Sáu vừa bán hàng vừa chuyện trò với khách. Ảnh: T.H
Bà Sáu vừa bán hàng vừa chuyện trò với khách. Ảnh: T.H

Đời gánh-phận nghề

Từ hơn 20 năm nay, những ai thường xuyên đi qua đường Thống Nhất (TP. Pleiku) và những ai yêu thích món sữa đậu nành nóng đều biết đến tên bà Sáu. Là hàng rong, nhưng vì sức có hạn không đi lại được nhiều, bà Sáu chọn vỉa hè (phía trước căn nhà 111 đường Thống Nhất) làm chỗ ngồi bán của mình.

Biết rõ mục đích của chúng tôi, bà Sáu dường như rất e ngại. Thay vì  từ chối, bà dè dặt hỏi: “Lên báo thì có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của cô không, cô chỉ muốn yên ổn để bán hàng thôi”. Tuy nhiên, trước sự thân tình của chúng tôi, dần dần bà Sáu cũng bằng lòng kể chuyện gia đình mình. Thì ra, vợ chồng bà Sáu quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, lên Gia Lai từ hồi trước giải phóng, làm nghề bán sữa đậu nành này từ những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước. “Làm nghề nào cũng có cái khó riêng của nó-bà Sáu rủ rỉ nói-Hồi mới làm nghề, sữa bị khê nhiều, tôi mất vốn là chuyện thường xuyên; nhưng làm riết rồi quen, lại biết được sở thích của khách nên hàng của tôi dần có nhiều người biết đến. Cùng với gánh hàng này, buổi sáng, chồng tôi còn đi bỏ sữa cho một vài nhà hàng và các gia đình khác trên phố; tính trung bình mỗi ngày cũng bán khoảng 13-15 ký đậu”.

Theo bà Sáu, 1 ký đậu có thể cho tới 6-8 lít sữa, nhưng bà thường làm đặc hơn, khoảng 3-4 lít, tùy vào chất lượng đậu. Nắm được sở thích uống sữa của khách hàng, bà Sáu còn pha chế thêm bột ngũ cốc, lòng đỏ trứng gà hay bột đậu xanh được hấp và xay nhuyễn để tăng chất và vị cho sản phẩm sữa của mình. Gần đây, bà còn làm thêm nước mè đen, nước nghệ (ướp lạnh) để bán kèm. Cũng vì thế, bà Sáu luôn có một lượng khách hàng ổn định, hầu như rất hiếm khi bị ế.

Thấy bà bán hàng đông khách, không hiểu từ lúc nào, phía bên phải gánh hàng của bà có thêm 1 gánh hàng bánh bèo, bánh bột lọc của chị Hằng, gánh bánh canh của bà Tâm, xa hơn là gánh bánh hỏi, gánh trái cây. “Bán hàng có bạn cũng vui, có khách ăn xong bánh canh, bánh bèo, quay sang hàng tôi mua sữa và ngược lại; nhờ thế mà chị em chúng tôi cũng bán thêm được chút đỉnh-bà Sáu nói, rồi se sẽ cười-Cũng may được trời thương cho vợ chồng tôi sức khỏe, lại được bà con nhớ tới mà uống ủng hộ nên gia đình tôi mới theo nghề được ngần ấy năm, chứ nghề này cơ cực lắm”.

Giản dị những ước mong

“Ai bánh hỏi đây!”. Tiếng rao của người bán hàng trên đường Thống Nhất (TP. Pleiku) khiến chúng tôi chú ý-chú ý không phải vì mình thích ăn bánh hỏi mà vì cách rao hàng của người bán-rao nghe như hát. Mau mải tạt vào lề đường, bà đon đả mời: “Cô ăn gì, bánh hỏi, bánh ướt hay bánh bèo”. “Cả ba loại và ngồi ăn tại chỗ được không cô”. Hình như quá ngạc nhiên với câu trả lời mình nghe được, bà chủ gánh hàng có một chút chần chừ, nhưng khi thấy chúng tôi xăng xái kiếm chỗ để ngồi thì bà yên tâm ngả gánh; thấy khách gọi hết món này đến món khác và ăn một cách ngon lành thì bà xởi lởi chuyện trò. Nghe bà nói chuyện, chả hiểu sao tôi cứ có cảm giác, dường như là lâu lắm rồi bà mới được trải lòng.

“Tôi tên Giáo, ông nhà tôi tên Phước, vì vậy mọi người vẫn thường gọi tôi là bà Phước bánh hỏi, nhà ở đằng sau hồ Diên Hồng (thuộc tổ 8, phường Ia Kring, TP. Pleiku-N.V)”. Hai vợ chồng làm nghề bán hàng này lâu rồi, vất vả mà cũng chẳng kiếm được là bao”-bà Phước chia sẻ-3 năm rồi, ông ấy bị đột quỵ, mọi chi tiêu trong gia đình trông hết vào gánh hàng, vậy nên cực nhọc mấy tôi cũng cố chịu, chỉ mong sao cho chồng mau khỏe lại, cùng tôi nuôi dạy con cái”. Ngần ngừ một đỗi, bà nói thêm: “Nói các cô chú đừng cười, chứ đêm nào tôi cũng nằm nghĩ và ước ao mình có một cửa hàng nhỏ đấy, để tiện bề chăm lo cho chồng con. Tôi giờ cũng có tuổi rồi, sức khỏe không còn được như trước nữa, nhưng cũng chẳng biết là đến khi nào…”.

Nhìn đôi tay thoăn thoắt trộn bánh cho khách, nhất là cái dáng vẻ tất tả quảy quang gánh đi như chạy trên đường của bà Phước, chúng tôi hiểu được phần nào nỗi niềm của bà, khi bà như đang muốn chạy đua với thời gian, để mong sao, ngày mỗi ngày qua đi, cái danh “bà Phước bánh hỏi” sẽ được nhiều người biết đến.

Niềm mong mỏi của bà Phước cũng là sự mỏi mong của nhiều người bán hàng rong mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò. Bà Nhung-một phụ nữ quê Hoài Nhơn, Bình Định lên Gia Lai kiếm sống bằng đủ nghề, trong đó có nghề bán hàng rong được gần 1 năm nay, thuê nhà ở hẻm 443 Lê Duẩn (TP. Pleiku), cho hay: Ở quê không có việc làm, con cái đang tuổi ăn học phải chi tiêu nhiều nên tôi lên Pleiku, làm đủ nghề để kiếm sống (bà Nhung, sáng đi thu mua đồng nát, chiều bán hàng rong với món bánh tráng trộn, tối đi bốc hàng thuê ở chợ đêm Pleiku-N.V). Công việc vất vả là thế, tiềm kiếm được không nhiều nhưng mỗi ngày tôi vẫn dè sẻn một chút bỏ heo đất để dành, biết đâu có ngày có thể mở được một quán hàng riêng”.

Thu Huế-Lê Nam

Có thể bạn quan tâm