Bài 1: Những ràng buộc pháp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pháp luật về giao thông đường bộ liên tục được hoàn thiện, bổ sung thế nhưng thực tế ý thức chấp hành của một số không ít người khi tham gia giao thông vẫn chưa được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng cách từ quy định đến thực tiễn.

Trách nhiệm hành chính

Trong vòng chưa đầy 10 năm kể từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, điều này cho thấy mức độ quan trọng về tình hình quản lý lĩnh vực này trên cả nước. Đặc biệt là việc tăng nặng mức phạt các lỗi vi phạm liên quan nhiều đến độ tuổi thanh-thiếu niên như: chạy quá tốc độ, tụ tập, cổ vũ, tổ chức đua xe trái phép…

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo các lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, tụ tập, cổ vũ, tổ chức đua xe trái phép… nếu như trước ngày 10-11-2012 bị phạt hành chính được chú ý về biện pháp tạm giữ phương tiện có thời hạn, bấm lỗ giấy phép lái xe, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì kể từ ngày 10-11-2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP lại tăng nặng mức xử phạt tiền.

Theo đó, người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ thì bị phạt từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng; quá tốc độ quy định từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng; chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ, bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng; chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ hoặc điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ, bị phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Nếu điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ, sẽ bị phạt từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ, bị phạt từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng; chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ, bị phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ, bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Đặc biệt, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng; trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài hai mức phạt trên, nếu có “hơi men” khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự trên đường đều bị phạt với mức từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Đối với hành vi đua xe, tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép, đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông mức phạt nhẹ nhất cũng từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Trong trường hợp người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ thì bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Ngoài ra, người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép thì bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và đua xe ô tô trái phép thì bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Song, nếu đua xe trái phép mà còn chống người thi hành công vụ thì bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Chế tài hình sự

Bộ luật Hình sự có 6 điều điều chỉnh đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ (từ Điều 202 đến Điều 207). Trong đó vi phạm an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản cho người khác thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Các điều khoản nói trên còn quy định, nếu điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không có giấy phép; trong tình trạng say rượu hoặc dùng chất kích thích; gây tai nạn rồi bỏ chạy; không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ... thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Nếu điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ thì tùy theo mức độ bị phạt tù cao nhất đến 12 năm.

Nếu đua xe trái phép thì bị phạt tù đến 12 năm và phạt tiền bổ sung đến 30 triệu đồng. Nếu tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt tù chung thân và phạt tiền bổ sung đến 30 triệu đồng.

Nhóm P.V nội chính

Có thể bạn quan tâm