Pháp luật

Tin tức

Bài 1: Những sai phạm trong quá trình sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đất đai là một loại tài sản đặc biệt bởi nó là tư liệu sản xuất đối với người lao động trực tiếp nhưng lại là tài sản định hình giá trị một phần do ý một nhóm người hoặc do chính quyền góp phần tạo nên. Chính vì vậy, Nhà nước phải đặt ra quy định nhằm quản lý loại tài sản này để góp phần ổn định trật tự xã hội. Nhưng trong cuộc sống, cả người dân và một số ít người làm công tác quản lý làm sai lệch mục đích ý nghĩa chủ trương của Nhà nước dẫn đến những sai phạm đáng tiếc.
Công tác quản lý về đất đai và xây dựng của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Pleiku (Gia Lai) nói riêng, thời gian qua, nhìn chung còn thiếu chặt chẽ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số cá nhân và tổ chức sử dụng đất trái phép, lấn chiếm, tự san lấp dòng chảy, xây dựng nhà, cơ sở... mà không chuyển đổi mục đích sử dụng…
Từ hộ cá thể sai phạm…
Mặc dù nhà, đất thuộc diện không có giấy tờ nhưng năm 1997 chủ hộ quán cà phê Souvernir (đường Wừu, TP. Pleiku) vẫn được Sở Xây dựng xác nhận. Không những thế, Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó xác nhận diện tích đất ở vượt hạn mức đến 842,4 m2 (vượt 442,4 m2 theo quy định của pháp luật tại thời điểm). Trong khi đó, sự việc đến nay vẫn chưa khắc phục.
Phần đất lấn con mương nước chảy tại Nhà hàng Century (đường Wừu-TP. Pleiku). Ảnh: Lê Văn Nhung
Tương tự, ông Trần Văn Thành (nhà hàng Cung Hỷ, đường Wừu, TP. Pleiku) có diện tích đất sử dụng là 2.105,91 m2 nhưng được cấp đất ở đến 697 m2 (vượt hạn mức đến 297 m2). Hiện tại chủ sử dụng đã xây dựng công trình nhà cấp II có diện tích đến 600 m2 và vượt diện tích so với giấy phép xây dựng đến 273 m2; không những thế, trong giấy phép xây dựng do UBND TP. Pleiku cấp không ghi ngày, tháng, năm.
Không những sai phạm một phần từ ý chủ quan của cán bộ chuyên môn các cơ quan quản lý, chính người dân cũng không thực hiện nghiêm phần đất của mình được cấp mà tranh thủ… lấn chiếm. Cụ thể, ông Lê Văn Tuấn (cà phê Đất Việt, 16B Thống Nhất-TP. Pleiku) lấn chiếm và xây dựng công trình nhà ở trái phép trên mương thoát nước 237 m2; ông Cao Quốc Tuấn (cà phê Mây, 16A Thống Nhất-TP. Pleiku) cũng tranh thủ lấn chiếm mương thoát nước để xây dựng công trình nhà ở trái phép. Hiện nay cả hai ông Lê Văn Tuấn và Cao Quốc Tuấn đều chưa thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm. Bà Ngô Thị Ái Quý xây dựng nhà hàng Century (đường Wừu-TP. Pleiku) đã cải tạo và lấn phần dòng nước chảy để xây dựng nơi đậu đỗ xe.
Mới đây nhất là trường hợp ông Trần Đại Duyệt (49 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Pleiku) đã tự ý xây dựng bờ kè dọc suối, xây dựng tường rào, tự ý đổ đất san nền cản dòng chảy tại khu vực phía Bắc cầu số 3 (thuộc tổ 5, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Mặc dù UBND TP. Pleiku đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu ông Duyệt khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm nhưng xem ra… đâu lại vào đấy!
Đến doanh nghiệp sai phạm
Năm 2005, Doanh nghiệp tư nhân Thái Dương (xã Chư Hdrông-TP. Pleiku) lấn chiếm 2.053 m2 đất rừng tràm. Ngày 9-8-2005, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai 8 triệu đồng. Hiện nay doanh nghiệp này vẫn đang quản lý và sử dụng diện tích đất lấn chiếm nhưng không bị cơ quan nào… sờ gáy!
Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp được giao đất xây dựng nhà, xưởng sản xuất, kinh doanh, không thu tiền, mua thanh lý tài sản không kèm theo nộp tiền sử dụng đất như DNTN Yên Đổ, DNTN Quốc Cường, XNTN Đức Cường; xây dựng nhà, xưởng, mặt bằng sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích, xây dựng không xin phép như Nhà hàng Lâm Viên (đường Phan Đình Phùng-TP. Pleiku) 157 m2, DNTN Tuyết Hạnh 210 m2, cà phê Đen 200 m2; xây dựng nhà, xưởng trên diện tích đất UBND tỉnh có quy định cấm xây dựng công trình như: Công ty Hoàng Diệu xây dựng vi phạm 2.700 m2; Công ty Đức Thành xây vi phạm 4.000 m2…
Từ những sự việc trên cho thấy công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn và chấn chỉnh của các cơ quan chức năng còn buông lỏng trong thời gian dài dẫn đến nhiều hộ cá thể và doanh nghiệp có sai phạm trong quá trình sử dụng đất. Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chuyên môn thì số tiền thiệt hại làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước trên 100 tỷ đồng. Không những thế, việc sai phạm này là một trong những nguyên nhân tiêu cực dẫn đến khiếu kiện của công dân, sự hao công tốn sức của các cấp chính quyền khi giải quyết những việc đã rồi.
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm