Kinh tế

Bài 1: Phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mì là loại cây dễ trồng, đầu tư ít, thích hợp với hầu hết nông dân ít vốn. Mấy năm trở lại đây, giá mì luôn giữ ở mức ổn định có lãi cho nông dân, vậy nên việc mở rộng diện tích trồng mì ở các tỉnh Tây Nguyên đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến những cánh rừng nguyên sinh ở đây.

Cây mì ở Tây Nguyên đang… vượt chỉ tiêu với “thành tích”: “Năm sau cao hơn năm trước”. Địa phương nào cũng có diện tích mì vượt với quy hoạch. Theo đó, nhiều loại cây trồng truyền thống khác đành phải “nhường chỗ” cho cây mì.

Ồ ạt trồng mì    

Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Cả nước hiện có khoảng trên 400.000 ha mì: Các tỉnh Duyên hải Bắc Trung bộ trên 65.000 ha, Nam Trung bộ trên 70.000 ha, Đông Nam bộ gần 140.000 ha, nhiều nhất vẫn là các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 160.000 ha.

 

Diện tích trồng mì tăng đột biến gây ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch cơ cấu cây trồng. Ảnh: Đức Thụy

Tại Tây Nguyên, tất cả các tỉnh đều có diện tích mì trồng vượt với quy hoạch rất cao. Tỉnh Đak Lak năm 2010 có 27.500 ha mì, đến đầu năm 2014, diện tích mì của tỉnh này đã lên đến 35.000 ha, trong khi quy hoạch chỉ có 15.000 ha. Đơn cử như ở huyện Ea Súp: Quy hoạch cho cây mì chỉ có 1.500 ha, trong khi thực tế nông dân huyện này đã trồng được trên 3.200 ha.

Báo cáo từ tỉnh Kon Tum cho biết: Năm 2013, tỉnh này quy hoạch cho cây mì là 28.000 ha, trong khi con số thực tế lên đến 34.000 ha. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2014, nông dân Kon Tum đã trồng được 29.000 ha mì. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua các huyện của tỉnh Kon Tum như Kon Rẫy đi Kon Plông hay Sa Thầy sang Ngọc Hồi rồi vượt lên Đak Glei…, không khó khi nhận ra bạt ngàn những nương mì rẫy mì: Rừng xưa rẫy cũ có, mà dân tự ý khai hoang trồng mới cũng rất nhiều.

Dẫn đầu cho diện tích mì ở các tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai với khoảng 50.000 ha cho loại cây này. Ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, diện tích mì tăng đột biến, gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp sở tại. Chỉ riêng huyện Kbang đã có khoảng 5.200 ha mì, tăng gần 2.000 ha so với quy hoạch; huyện Kông Chro cũng có con số tương tự như ở huyện Kbang.

Phá vỡ quy hoạch 

 

Cây mì đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Trần Đăng Lâm

Đầu tư ít, dễ trồng lại có mức giá ổn định trong những năm gần đây nên ở Tây Nguyên, diện tích trồng mì tăng đột biến. Thậm chí ở nhiều nơi, mì còn được trồng trên vùng đất đỏ bazan-loại đất vốn để trồng những loại cây dài ngày, cho nguồn thu cao như cà phê, hồ tiêu… Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Nhiều nơi quy hoạch để trồng bắp lai, bông vải, nay nông dân tự ý chuyển đổi sang trồng mì. Đơn cử như ở xã Lơ Ku-một trong những xã có diện tích mì tăng cao nhất huyện Kbang: Cây mì đang là cây trồng có diện tích dẫn đầu của xã này, trong khi cây trồng truyền thống ở đây như bắp lai lại giảm mạnh (có khi cây bắp chỉ đạt diện tích gieo trồng 24% so với kế hoạch). Ở huyện Kông Chro, nhiều diện tích vốn quy hoạch để trồng lúa cạn, bắp lai, dưa hấu… nay nông dân tự chuyển đổi sang trồng mì.

Nông dân Đinh Liu (dân tộc Bahnar) ở làng Hlang 2, xã Yang Nam có gần 2 ha mì-vốn là đất gia đình ông trồng lúa cạn từ nhiều năm nay, nói: “Cây mì dễ trồng, chi phí thấp, ít bị ảnh hưởng do thời tiết nên gia đình mình chuyển từ cây lúa cạn sang trồng mì”. Huyện Krông Pa cũng không ngoại lệ. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Năm 2014, huyện Krông Pa quy hoạch diện tích trồng mì là 8.500 ha, trong khi đến thời điểm hiện tại, diện tích mì đã lên đến trên 10.000 ha. Giải thích vấn đề này, ông Duyên cho biết: Do cây mè (vừng-loại cây truyền thống của huyện Krông Pa) và một số loại cây trồng hàng năm của huyện phụ thuộc nhiều vào thời tiết-vốn đã rất khắc nghiệt ở đây, trong khi cây mì mấy năm nay luôn giữ giá mức ổn định có lãi, lại dễ trồng, đầu tư ít nên nông dân tự ý chuyển đổi một số diện tích vốn để trồng mè sang trồng mì.

Việc nông dân Tây Nguyên mở rộng diện tích trồng mì một cách tự phát đã làm sản lượng mì trên địa bàn tăng đột biến. Theo đó, sản phẩm nhiều lúc bị ứ đọng, bị ép giá gây thua thiệt lớn cho nông dân. Tỉnh Gia Lai có 4 nhà máy mì với tổng công suất 1.640 tấn/ngày mà nhiều lúc vẫn không thể tiêu thụ hết lượng mì của nông dân. Ông Nguyễn Văn Bộ-Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai), cho biết: 4 nhà máy mì nói trên, nhiều lúc cũng chỉ đáp ứng được 40% sản lượng mì trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lượng mì còn lại trôi nổi trên thị trường, bị thương lái ép giá, gây thiệt thòi lớn cho nông dân.

Trần Đăng Lâm

Có thể bạn quan tâm