Bài 1: “Sống trong lòng dân...”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, tôi nghe đã nhiều-nghe ông và bạn bè ông kể, ấy là chưa kể đến những bài báo của đồng nghiệp, mà ông là một chứng nhân không thể thiếu. Bởi vậy, từ lâu, tên ông đã được cánh phóng viên nói riêng, thế hệ trẻ nói chung, nhắc đến trong niềm tin yêu và kính trọng.

Ông là Ngô Thành- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, một trong số những cán bộ ở lại miền Nam trong thời kỳ 1954-1960, một trong những “B trụ” kiên trung, sống trong lòng dân, chịu nhiều gian khổ để góp sức mình vào thắng lợi chung.

 

Ảnh: Thu Huế
Ảnh: Thu Huế

Ngồi trò chuyện cùng ông, tôi luôn thường trực cái cảm giác quanh mình đang vút ngân khúc tráng ca của những tháng ngày lớp lớp những cán bộ như ông được đồng bào quý, tin và giúp đỡ. Ông bảo, ông không thể nào quên được những người phụ nữ làng Kluh (huyện Chư Prông), khi cán bộ đau thì tìm thuốc chữa, khi cán bộ ở rừng không có cái ăn thì tìm cách bỏ muối, bỏ gạo vào gùi đi lấy nước đem cho.

Ông cũng không thể nào quên được người Bí thư chi bộ làng Krong H’Ra (huyện Kông Chro) bị tra tấn đủ mọi hình thức mà vẫn không hé nửa lời về những người cán bộ nằm làng, cuối cùng, không chịu nổi cực hình “chôn sống” của địch, trước phút hy sinh, anh đã hiên ngang hô vang: “Hồ Chí Minh arih ling lang” (Hồ Chí Minh muôn năm).

Ngược dòng ký ức

Mới đó, chuyện về một thời gian khó, đói cơm lạt muối nhưng ấm nồng tình nghĩa đồng chí, đồng bào được người cán bộ lão thành cách mạng kể lại bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt và đôi mắt sáng rỡ niềm vui. Lắng nghe câu chuyện của ông, tôi đang như được trở lại những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với những kỷ niệm sâu sắc của người cán bộ trung kiên-người mà ngay từ hồi tháng 5-1941 đã tham gia cách mạng tại địa phương (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), lên Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp, tình nguyện ở lại miền Nam chống Mỹ cứu nước, khi đất nước hòa bình, được Đảng phân công giữ những vị trí quan trọng, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của tỉnh nhà. Trong suốt câu chuyện rộng dài ấy, chốc chốc ông lại ngừng lời, ngồi im lặng rất lâu, rồi ông nói nhỏ, như là đang nói với chính mình: “Ôn chuyện cũ, tôi lại thấy nhớ hơn những anh em đồng chí, đồng đội của mình...”.

 

Ông Ngô Thành (người đứng giữa) cùng đoàn cán bộ tỉnh thăm khu căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang).
Ông Ngô Thành (người đứng giữa) cùng đoàn cán bộ tỉnh thăm khu căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang).

Ông Ngô Thành dành nhiều thời gian kể cho tôi nghe về những ngày tháng ông tham gia Đội Vũ trang tuyên truyền (cuối năm 1951), địa bàn hoạt động là phía Tây Nam Pleiku, từ đường 14 đến biên giới Việt Nam-Campuchia (nay là huyện Chư Prông, phía Nam huyện Đức Cơ, phía Tây huyện Chư Sê và Chư Pưh). Kể lại chuyện đi gặp dân, gặp cơ sở lại bị địch đánh úp, 4 đồng chí hy sinh, bản thân ông chạy lạc vào rừng, sau 18 ngày đêm mới gặp được người của đơn vị hay chuyện 2 lần gặp và đánh thắng hổ, ông Ngô Thành cho rằng, đây chính là những cuộc thử thách đầy nghiệt ngã. “Sau những lần gặp cọp, chúng tôi đã biết cách ứng phó với loài thú dữ này. Tuy cọp là loài hung dữ, hay tấn công người và vật nuôi nhưng chúng cũng có nhiều điểm yếu, nếu chúng ta biết, chủ động đề phòng thì chúng sẽ sợ và bỏ đi, ngay cả khi chúng bị thương cũng vậy”- ông Ngô Thành tâm sự-“Còn đối với việc bị đứt liên lạc với cơ sở, bị chủ làng phản bội, đã có một số đồng chí hy sinh, đơn vị chúng tôi đã có một bài học đắt giá về phương thức vận động quần chúng, đến năm 1953 thì tổ chức phân công đội công tác của tôi ở lại để gầy dựng lại cơ sở, khôi phục lại phong trào.

Lần này, bản thân tôi đã biết tiếng Jrai, thông thạo địa thế, lại có thêm kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, tôi cùng anh em trong đội chưa đầy nửa năm đã liên lạc được với cơ sở cũ, phát triển thêm nhiều cơ sở mới. Những năm tháng gian nan này giúp tôi trưởng thành về nhiều mặt và vững vàng hơn trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ sau này...”.

Lòng như trời biếc

Khi nghe tôi nhắc đến chuyện gia đình, ông Ngô Thành bật cười vui, chỉ sang người vợ nãy giờ vẫn cặm cụi làm bếp: “Tôi đã 2 lần định xây dựng gia đình ở quê nhưng đều không thành, lần lấy được bà ấy là do anh em đồng chí mối mai cho đấy. Gặp nhau lần đầu, cả hai đều cảm thấy đột ngột và bỡ ngỡ, chưa nói được gì nhiều đã vội đi công tác, vậy mà sau 2 tháng, ngay khi đang trên đường đi họp, tôi được anh Đẳng-Bí thư Tỉnh ủy báo cho biết là ngay sau khi họp xong, sẽ tổ chức đám cưới cho tôi. Đám cưới do cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy lo, tổ chức ngay dưới tán rừng, bên dòng suối Kpiêr. Trong ngày cưới, tôi không tìm được vật gì để tặng cho vợ làm kỷ niệm, chỉ có 4 mét vải pơhling đen; sau đó tôi mới tặng cho vợ 1 chiếc hăng-gô nấu cơm, 1 bình đông đựng nước, 1 chiếc nhẫn nhưng chẳng may khi lội qua sông Ba, chiếc nhẫn bị nước cuốn mất”.

Chuyện trò là vậy, nhưng ông lại dặn tôi, chuyện về gia đình ông tôi đừng nhắc đến nhiều, vì so với anh em đồng chí, những người đã hy sinh, những người đã mất, những người hiện còn sống nhưng đang gặp trọng bệnh..., ông cảm thấy mình được như hiện nay đã là hạnh phúc rồi: “Tôi rất mừng vì mới đây, Tỉnh ủy đã cho ra mắt tập sách “Tôn vinh cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ ở lại miền Nam (sau 20-7-1954) tỉnh Gia Lai, qua đó thể hiện sự đánh giá cao đối với những đóng góp của chúng tôi đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Nhưng, tôi cảm thấy vẫn chưa toại nguyện, vì trong số đồng chí của chúng tôi ngày ấy, đến nay vẫn còn 24 cán bộ hy sinh và mất tích, chỉ có danh sách, chưa có lý lịch, chưa tìm được thân nhân, có đồng chí hy sinh chưa có hồ sơ liệt sĩ, chưa biết hài cốt nằm ở đâu, có nhiều đồng chí còn chưa được nhận 1 tấm giấy khen...”. Chia sẻ với tôi về công việc hiện nay của mình, ông Ngô Thành vui vẻ cho biết: “Tôi đang tập hợp lại tư liệu để viết về bối cảnh ra đời và quá trình phát triển của các tờ báo như: Thông tin, Sáng, Vững Tiến, Thống Nhất, Quyết Thắng, Giải Phóng-phần mà tôi biết theo đề nghị của các anh bên Báo. Cũng gần xong rồi, quãng 20 tháng này thì gửi qua”. Rồi ông lại cười, tiếng cười thơm như nắng đang óng ánh chảy nơi khoảng sân nhỏ trước nhà...

Thu Huế

Có thể bạn quan tâm