Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Thiếu đồng bộ trong quy hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói về một Pleiku trong quá khứ, nhiều cụ cao niên hoặc những người gắn bó nhiều năm với Pleiku vẫn chia sẻ cảm xúc của mình về những hàng thông cổ thụ cao vút mờ ảo trong màn sương giăng. Pleiku đẹp và đầy chất thơ, níu giữ hồn người bằng vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc thấm đượm chất núi rừng của đô thị cao nguyên nắng gió. Gần 40 năm sau ngày giải phóng, cây xanh đường phố Pleiku dường như bước qua những thăng trầm: đánh mất mình và bối rối trong việc tìm ra một lối đi, một hình dáng có hồn chất trên đường phố thơ mộng.

Không ít người ví von, bức tranh cây xanh Pleiku được vẽ bởi những nét vẽ tùy hứng, hỗn tạp và rất khó gọi tên ý tưởng…

 

Không nhiều đoạn đường trồng được những hàng cây đẹp như thế này ở Pleiku. Ảnh Lê Hòa
Không nhiều đoạn đường trồng được những hàng cây đẹp như thế này ở Pleiku. Ảnh: Lê Hòa

Cây nhiều nhưng… chưa xanh

Theo nhìn nhận của nhiều người, Pleiku bây giờ không thiếu bóng cây xanh, tuy nhiên, Phố núi vẫn chưa xanh vì nhiều lý do. Ông Võ Phúc Ánh-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku-cho biết: Hiện nay trên 207 tuyến đường thuộc địa bàn TP. Pleiku có đến 32 chủng loại cây xanh, trong đó chưa kể đến một số chủng loại cây do người dân trồng tự phát trên vỉa hè để lấy bóng mát. Trong số này, cây sao đen chiếm tỷ lệ cao nhất là 37,6%, kế đến là dầu rái chiếm gần 20,5%; sau đó lần lượt là thông long não, viết, bằng lăng...

Tuy vậy, trong tổng số 15.732 cây xanh trên địa bàn TP. Pleiku-chưa tính 650 cây trồng mới trong năm 2014-đã có đến 12.363 cây xanh loại I (cây dưới 6m-tức cây nhỏ), chiếm 78,6 %. Cây xanh loại II (lớn hơn 6 mét nhưng nhỏ hơn 12 mét) chỉ bằng khoảng 1/4 số cây loại I. Cây xanh cổ thụ (loại III, trên 12 mét) trên các tuyến phố Pleiku còn hiếm hơn nữa, chỉ có 263 cây các loại. Những con số ấy đã lý giải vì sao cây xanh trên đường phố Pleiku đa dạng về chủng loại, số lượng nhưng thực tế thành phố lại… chưa xanh.

 

Bao giờ thì những cây xanh như thế này sẽ cho bóng mát. Ảnh: Minh Triều
Bao giờ thì những cây xanh như thế này sẽ cho bóng mát. Ảnh: Minh Triều

Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng đủ chứng minh được điều này. Cụ thể, tổng số sao đen hiện có là 5.919 cây thì chỉ đó 11 cây loại III, 652 cây loại II. Hay một ví dụ khác về cây thông-một loại cây đặc trưng của phố núi-hiện có 2.311 cây thì có đến 1.838 là những cây trồng mới, trồng bổ sung và những cây dưới 6 mét. Số lượng cây loại II, loại III quá khiêm tốn như vậy thì đáp án xanh cho TP. Pleiku đã rõ.

Lý giải cho câu hỏi vì sao cây xanh TP. Pleiku chưa được đẹp và chưa xanh như các tỉnh thành khác, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai-chia sẻ, đó chính hệ quả của việc hạn chế trong nguồn vốn đầu tư cho hệ thống giống cây xanh đầu vào. “Một cây giống giá 200-300.000 đồng sẽ khác hoàn toàn cây chỉ có giá 100.000 đồng. Giống đầu vào của chúng ta chất lượng thấp thì rất khó chăm sóc, nuôi dưỡng cho tốt được”-bà Vinh dẫn chứng.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị chia sẻ thêm, một lý do nữa là ý thức bảo quản, cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc chăm sóc cây của một bộ phận người dân chúng ta còn chưa tốt. Không thiếu những trường hợp cố ý hợp “bức tử” cây xanh một cách khó hiểu. “Một số nơi, hễ cứ mọc lên ngôi nhà mới xây nào ngay cạnh cây xanh khá lớn thì chỉ ít lâu sau, cây xanh đang khỏe mạnh, tươi tốt đột nhiên chết mà chẳng thể biết được nguyên nhân”-bà Vinh ví dụ. Tình trạng xâm hại cây xanh rất khó kiểm soát, đặc biệt là với lượng cây nhỏ, mới trồng. Việc bẻ ngọn, bẻ ngang thân cây, nhổ bỏ cây… diễn ra rất thường xuyên, trong khi đó lực lượng chuyên môn không thể từng ngày, từng giờ theo dõi sát sao được từng gốc cây, tuyến phố. Đơn cử là tháng 6-2014, Công ty vừa mới tổ chức trồng 650 cây dầu rái trên tuyến đường Trường Chinh thì chỉ ít ngày sau, 30 cây con mới trồng đã bị xâm hại. Đến tháng 8 vừa qua lại có thêm khoảng 80 cây nữa tiếp tục bị phá, không còn khả năng sinh trưởng và phát triển bình thường.

 

Một đoạn đường Hùng Vương từ ngã ba Diệp Kính đến Nguyễn Viết Xuân không hề thấy bóng dáng cây xanh. Ảnh: Minh Triều
Một đoạn đường Hùng Vương từ ngã ba Diệp Kính đến Nguyễn Viết Xuân không hề thấy bóng dáng cây xanh. Ảnh: Minh Triều

Bản nhạc tùy hứng

Trong khi đó, cây xanh ở khu vực ngoại vi, đặc biệt là ở khu vực cửa ngõ vào thành phố, cũng được ví như một bản nhạc tùy hứng.

Ở 3 tuyến đường trục dẫn vào trung tâm TP. Pleiku là Trường Chinh (từ ngã ba Hàm Rồng ngược theo quốc lộ 14), Phạm Văn Đồng (từ ngã tư Biển Hồ về), Lê Duẩn (từ thị trấn Đak Đoa lên theo quốc lộ 19) khó tìm được đoạn đường nào có hệ thống cây xanh, hoa viên thật sự xanh và đẹp, xứng tầm một thành phố được công nhận là đô thị loại II. Hệ thống cây xanh che bóng mát hai bên đường bất nhất; cây to, cây nhỏ đan xen nhau nhấp nhô trên hè phố. Riêng trên đường Lê Duẩn đoạn từ ngã ba Phù Đổng tới vòng xoay Trà Đa đã có tới cả chục loại cây xanh vỉa hè: Osaka đỏ, xà cừ, long não, bàng, dầu rái, sao đen… Đường Trường Chinh cũng tương tự với đủ loại cây to nhỏ, cao thấp… Tất cả đều góp lại với nhau tạo thành một bản nhạc hỗn tạp, tùy hứng và thiếu tính thẩm mỹ. Tuyến đường Phạm Văn Đồng đã phần nào tạo nên sự nhất quán khi hai bên đường trồng hầu hết cây dầu rái, tuy nhiên, có những đoạn lại xuất hiện những cây trứng cá, cây sanh, bằng lăng… rất đỗi tùy tiện.

Cây vỉa hè đã không tạo dấu ấn riêng, cây màu và hoa trang trí trên hệ thống dải phân cách rộng đường một chiều cũng chẳng khá hơn. Nếu như các dải phân cách rộng ở TP. Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt hay thành phố trẻ Kon Tum đều ngập sắc hoa thì đối với Pleiku, dường như ngoài đoạn đường Lê Duẩn đoạn từ Quân đoàn 3 tới vòng xoay Trà Đa thi thoảng có hoa nở, thì còn lại hầu như đều… khó tìm thấy bóng hoa. Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Gia Lai, lý giải: “Nhiều hoa viên dọc trên hệ thống dải phân cách rộng đường một chiều được trồng hoa giấy tạo cảnh, nhưng loại cây này chỉ thích hợp với một số vùng, riêng với Gia Lai khi đem trồng ở đấy, gần như hoa giấy không nở”. Ngoài ra, hệ thống cây màu, cây cảnh như: cau cảnh, dừa cảnh, si, phi lao... trồng trong khuôn viên dải phân cách rộng đa phần đều cằn cỗi, tạo dáng kém và thiếu sức sống. Nhất là chuyện cách đây vài năm, khi báo chí “khui” ra việc trồng cây xanh trên nền đường nhựa mới thấy được vấn đề trồng và chăm sóc cây xanh đô thị ở một số tuyến đường Pleiku cẩu thả tới mức nào…

 

Vòng xoay ngã ba Phù Đổng nhiều lúc không được trang trí hoa viên cây xanh. Ảnh: Lê Hòa
Vòng xoay ngã ba Phù Đổng nhiều lúc không được trang trí hoa viên cây xanh. Ảnh: Lê Hòa

Hoa viên trang trí tại các vòng xoay giao thông cũng là vấn đề đáng nói. Nếu như cây xanh hoa viên vòng xoay ngã tư Biển Hồ luôn được tô điểm trong màn bụi bẩn, nhếch nhác thì hoa viên vòng xoay Trà Đa lại không thiếu lúc cỏ tốt hơn cây xanh. Khó hiểu nhất phải kể đến vòng xoay hoành tráng tại ngã ba Phù Đổng. Sau vài ba năm trồng, cải tạo môi trường cây xanh khuôn viên vòng xoay, đài phun nước tại đây, người đi đường vẫn rất khó nắm bắt được ý đồ tạo cảnh cây xanh khu vực này. Còn người dân sinh sống quanh đây lại bày tỏ sự bức xúc trước cảnh trồng và thay mới liên tục thảm cỏ hoa viên nhưng không làm cho cảnh quan ở đây khá hơn…

Lê Hòa-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm