Bài 1: Thiếu thốn đủ bề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong trường học góp phần ổn định việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay ở rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chưa có phòng y tế và chưa có nhân viên y tế. Điều đó cho thấy, công tác y tế trong trường học chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Nhiều trường vắng bóng nhân viên y tế

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Năm học 2014-2015, huyện Chư Prông có 66 trường nhưng chỉ có 10 trường có nhân viên y tế. Thầy Nguyễn Bảo Tịnh-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông), một trong những trường học không có nhân viên y tế cho biết: “Hiện nay, chỉ có một số trường đã đạt chuẩn quốc gia mới có nhân viên y tế. Là trường chưa đạt chuẩn, lại ở địa bàn vùng sâu nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh vì không có nhân viên y tế. Trong những trường hợp học sinh có vấn đề về sức khỏe, chúng tôi không biết giải quyết thế nào ngoài việc đưa các em đến trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra”.

Việc thiếu nhân viên y tế để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh đang tồn tại ở rất nhiều trường trên địa bàn toàn tỉnh như: Trường Tiểu học A Dơk (xã A Dơk, huyện Đak Đoa); Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai); Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Krái, huyện Ia Grai), Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, TP. Pleiku)... Để tạm thời giải quyết khó khăn, nhiều trường phải cử nhân viên thiết bị kiêm nhiệm thêm phần việc của nhân viên y tế. Điều đáng lo ngại là họ không có chuyên môn, nghiệp vụ về y tế nên các hoạt động quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh không được đảm bảo.

Chị Chu Thị Hoa-nhân viên thiết bị kiêm y tế Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku) chia sẻ: “Lượng công việc của nhân viên y tế theo tôi là rất nhiều nhưng vì không có nghiệp vụ y tế nên tôi không thể nắm bắt được hết nhiệm vụ, còn với những trường hợp học sinh bị đau đầu, sổ mũi, trầy xước dù nhẹ thì tôi cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra sức khỏe hay sơ cứu cho các em”. Có thể thấy rằng, sự kiêm nhiệm này chỉ là phương án tạm thời mà các trường đưa ra để kịp thời phục vụ nhu cầu chăm sóc cho học sinh. Trên thực tế, họ không thể tham mưu với lãnh đạo nhà trường làm tốt công tác truyền thông, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, phòng-chống dịch bệnh trong nhà trường, đặc biệt giải quyết được những tình huống khẩn cấp, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của học sinh.

Cơ sở vật chất tạm bợ

 

Ảnh: Phan Lài
Ảnh: Phan Lài

Quan sát phòng y tế của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông), chúng tôi thấy phòng được dọn dẹp khá sạch sẽ, có 1 giường khám bệnh và một tủ thuốc với vài loại thuốc thông thường. Tuy nhiên, xung quanh phòng lại kê rất nhiều bàn ghế và đặt rất nhiều vật dụng như trống, cờ, bảng viết… Thầy Lê Danh Lăng-Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Nhà trường ghép phòng y tế với phòng sinh hoạt Đội là việc làm bất đắc dĩ nhưng vì diện tích của trường quá nhỏ, kinh phí đầu tư không có nên không thể xây dựng các phòng sinh hoạt riêng biệt”. Có thể thấy, với căn phòng rộng chưa đầy 20 m2 nhưng lại thực hiện hai chức năng: vừa là phòng y tế, vừa là phòng sinh hoạt Đội nên để phục vụ công tác chuyên môn của từng phòng còn nhiều hạn chế là điều rất dễ hiểu.

Ngoài việc thiếu phòng chuyên môn, các trường còn thiếu trang-thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe cụ thể: Tủ thuốc thì chỉ có vài loại thông thường, chưa có đầy đủ các loại thuốc theo quy định; giường, rèm che đều rất tạm bợ nên việc chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh khi xảy ra sự cố khó càng thêm khó. “Nhà trường chỉ có một tủ thuốc rất nhỏ với vài loại thuốc thông thường; thiếu kinh phí, không có cán bộ y tế, khi có học sinh cần chăm sóc sức khỏe thì giáo viên chủ nhiệm tự xoay xở. Biết khó nhưng trường chưa tìm ra hướng giải quyết”-thầy Nguyễn Văn Vân-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Pleiku) chia sẻ.

Nguyễn Giang- Phan Lài

Có thể bạn quan tâm