TN - Đất & Người

Bài 1: Vùng đất anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Gia Lai trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Krong (huyện Kbang-Gia Lai) đã trở thành một địa danh lịch sử kiên cường, bất khuất của lịch sử nước nhà. Krong-vùng đất nghèo khó giữa bạt ngàn rừng núi đã nuôi dưỡng và chở che cho biết bao cán bộ của tỉnh, của Quân khu và Trung ương trên tuyến hành lang Bắc-Nam, Đông-Tây. Những tên núi, tên sông, tên làng và cả những con người nơi vùng đất này mãi mãi là biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Krong-vùng đất “lửa”

 

Cầu dây xã căn cứ Krong. (ảnh tư liệu)

Krong là xã nằm ở phía Tây huyện Kbang (Gia Lai) thuộc dãy Kon Ka Kinh và một phần cao nguyên Kon Hà Nừng. Krong nằm ngay đầu nguồn của dòng sông Ba hùng vĩ với những ngôi nhà sàn nhỏ nhắn của đồng bào Bahnar. Trong thời kỳ chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ, Krong là một phần đất của Bơ Nâm-vùng đất “lửa” của cách mạng tỉnh nhà.

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, để chinh phục đồng bào Bahnar ở Bơ Nâm và các vùng xung quanh, địch đã đóng các đồn lính khố xanh (lính địa phương) ở dọc phía Đông sông Ba. Nhân dân trong vùng đã bất hợp tác và nổi dậy với nhiều hình thức nhằm chống lại âm mưu của thực dân Pháp. Cho đến năm 1930, địch vẫn không chinh phục được vùng đất này, nhiều làng vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát của chúng. Năm 1943, khi Pháp bắt dân vùng Bơ Nâm làm đồn Hlét, nhân dân vẫn kiên quyết không theo. Bọn Pháp đã khủng bố, bắt người dân làng Hlét tẩm xăng thiêu sống nhằm uy hiếp tinh thần đồng bào trong vùng, nhưng hành động đó càng khiến ngọn lửa cách mạng trong mỗi người con Bơ Nâm bùng lên mạnh mẽ. Phong trào chống Pháp của người dân Bơ Nâm liên tục kéo dài với tinh thần: Mỗi người dân đều sẵn sàng một thứ vũ khí đánh địch.

 

Quân dân Krong mở đường giao thông liên lạc trong Khu căn cứ năm 1972. (ảnh tư liệu)

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Bơ Nâm trở thành nơi xây dựng căn cứ của tỉnh Gia Lai. Đó là niềm vinh dự nhưng đồng thời cũng là trọng trách của chính quyền, nhân dân trong xã. Bước vào thời kỳ mới, cán bộ và nhân dân trong xã đã nỗ lực giúp đỡ nhau sản xuất, che giấu cán bộ. Nhân dân nơi đây cùng với các cơ quan của tỉnh xây dựng căn cứ địa an toàn, vững mạnh để chỉ đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, đối phó với mọi âm mưu hủy diệt của Mỹ, nhân dân Bơ Nâm (trong đó có Krong) luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, cách mạng với tâm thế “Cách mạng còn, dân còn”.

Giữ vững căn cứ, giải phóng quê hương

 

Nhân dân xã Krong vận chuyển gỗ ra miền Bắc xây lăng Bác (năm 1974). (ảnh tư liệu)

Chọn địa bàn Krong để xây dựng khu căn cứ, Tỉnh ủy Gia Lai đã dựa vào những yếu tố “thiên thời-địa lợi- nhân hòa”. Địa thế rừng núi hiểm trở, liên hoàn, ba mặt là rừng núi cùng với lợi thế là khu căn cứ của du kích, có nhiều cán bộ, đảng viên, Krong đã giúp Tỉnh ủy đứng vững trong vùng căn cứ để chỉ đạo và chủ động chống các âm mưu địch tấn công đánh phá cơ quan đầu não của tỉnh. Trong thời kỳ đứng chân trên đại bàn xã, cơ quan Tỉnh ủy thường xuyên phải thay đổi địa điểm qua các làng xã trong vùng để đảm bảo an toàn và đánh lạc hướng địch.

Từ ngày cơ quan Tỉnh ủy về đây, nhân dân vùng căn cứ Krong tích cực sản xuất, đóng góp nhiều cho cách mạng trong việc xây dựng và bảo vệ căn cứ. Tiêu biểu như già làng Bă Choang (làng Kon Jueng) đã hăng hái vận động đồng bào cắt tranh, tre làm nhà cho cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan Tuyên huấn, góp lương thực ủng hộ cho cách mạng. Ngược lại, nhờ có cán bộ, bộ đội mà bà con yên tâm sản xuất, trồng thêm nhiều hoa màu. Để có thêm nguồn lương thực dự trữ, các làng hình thành “rẫy cách mạng”. Krong vừa là nơi cất giấu lương thực chống địch càn quét, vừa là nguồn dự trữ để ủng hộ cho kháng chiến. Nhân dân, cán bộ địa phương ngày đêm phục vụ hành lang, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, công văn… Nhiều thanh niên của làng tích cực làm công tác giao liên như anh Hlang (làng Slam), anh Vaih, anh Thuận…

 

Dù khó khăn, đồng bào Krong vẫn một lòng ơn Bác, ơn Đảng. (ảnh tư liệu)

Từ năm 1965 đến 1968, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn, càn quét dài ngày theo lối “úp nơm”, “cuốn chiếu” vào vùng căn cứ để tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Chúng thường xuyên dùng trực thăng quần lượn vào sâu vùng căn cứ, bắn phá nương rẫy. Trước tình hình đó, chi bộ xã Krong đã phát động phong trào thi đua giết giặc, lập công trong các làng xã. Khí thế giết giặc sôi nổi, bẫy chông được xây dựng liên hoàn chống lại các cuộc hành quân của địch. Thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trước và sau Tết Mậu Thân 1968 đã góp phần giữ vững và mở rộng thêm vùng căn cứ, vùng giải phóng, thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch. Sức mạnh của nhân dân Krong được phát huy cao độ trong những năm tháng ác liệt nhất.

Cán bộ Tỉnh ủy tại khu căn cứ Krong. (ảnh tư liệu)

Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Krong luôn là nơi phục vụ tốt các sự kiện lớn của tỉnh và Tây Nguyên diễn ra tại vùng căn cứ như: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Trung và Tây Nguyên (1960); Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ III (8-1969); lần thứ V (9-1973)… Những năm 1974-1975, đồng bào Krong nhiệt liệt hưởng ứng chiến dịch khai thác gỗ để xây Lăng Bác Hồ. Việc vận chuyển gỗ gặp nhiều khó khăn nhưng với tình cảm của những người con Tây Nguyên ơn Bác, nhân dân vùng căn cứ đã không quản ngại khó khăn, góp phần đưa gỗ quý ra miền Bắc.

Năm 1975, ta gấp rút triển khai kế hoạch tiến công và nổi dậy trong toàn tỉnh. Các cứ điểm của địch bị ta xóa sạch, giải phóng cho hàng vạn dân. Ngày 17-3-1975, thị xã Pleiku được giải phóng, ngày 23-3-1975, An Khê cũng hoàn toàn giải phóng. Đồng bào xã Krong hân hoan với niềm vui chiến thắng, tự hào với những năm tháng nghĩa tình cách mạng. Krong-luôn là hậu phương vững chắc, phục vụ kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Krong-xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm