Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Vùng xa, mặc sức tung hoành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tung tiền mua gỗ trắc, sử dụng súng hăm dọa người dân, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thu chi tài chính ngân sách xã, để mặc cho cấp dưới ngang nhiên ăn chặn tiền hỗ trợ Tết cho các hộ nghèo... là những việc mà ông Phạm Duy Chinh đã làm trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hà Đông, huyện Đak Đoa (Gia Lai).   
Mua gỗ trắc và môi giới giấy phép lái xe mô tô
Theo anh Trường, làng Kon Jốt, xã Hà Đông, cuối năm 2009, với lý do cần gỗ trắc để xây nhà, ông Phạm Duy Chinh lúc ấy đang giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã đưa cho anh Trường 500 ngàn đồng “uống nước” và nhờ anh hỏi mua gỗ trắc của người dân trong làng Kon Jốt. Để giúp ông Chinh, anh Trường đã hỏi mua cho ông khoảng 8m3 gỗ trắc. “Ông Chinh đưa tôi 7 triệu đồng để mua 6 cột gỗ trắc đường kính hơn 25 cm, dài hơn 3 mét của người trong làng Kon Jốt. Nhưng khi có người ở làng Kon Ma Har lấy gỗ trắc bán cho người khác, ông Chinh đã chửi bới, thậm chí lấy súng ra hăm dọa họ”.
Làng Kon Ma Har. Ảnh: Thanh Luận
Không chỉ mua gỗ trắc trái phép, nguồn tin của quần chúng nhân dân tại các làng Kon Jốt, Kon Nak, Kon Ma Har, Kon Nglok, Kon Pơ Dram, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Hà Đông, vào cuối năm 2009, ông Phạm Duy Chinh xuống tận các làng, vận động bà con nộp tiền học và thi lấy giấy phép lái xe mô tô tại xã. Mỗi người đăng ký học, thi phải nộp cho ông Chinh 380 ngàn đồng nhưng hầu hết đều không được thi, cũng không thể đòi lại số tiền đã nộp, trong đó có cả những cán bộ cấp xã.
Trao đổi với chúng tôi, chị Bé, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Hà Đông thừa nhận: “Tôi cũng như người dân trong xã, ai cũng muốn có giấy phép lái xe mô tô nên đã nộp tiền học và thi lấy giấy phép lái xe cho ông Chinh. Nhưng đợi mãi, đợi hoài mà vẫn không được thi. Khi nghe người dân thắc mắc nhiều quá, ông Chinh đã gặp riêng tôi và trả lại 380 ngàn đồng. Tôi may mắn mới được trả còn rất nhiều người khác không dám đòi tiền dù không được học và thi”.
Anh Trường, làng Kon Jốt, xã Hà Đông cho biết: Tôi cũng như hàng chục hộ dân trong các làng Kon Pơ Dram, Kon Nak, Kon Sơ Nglok, Kon Ma Har… đều đóng tiền thi giấy phép lái xe cho ông Chinh và cô Ngúh-cán bộ Tư pháp xã. May mắn là tôi được thi với vài cán bộ trong UBND xã nhưng trước khi thi ông Phạm Duy Chinh nói muốn đậu thì tôi phải nộp thêm 1 con gà? Tôi bắt gà nộp nhưng có lẽ do con gà quá nhỏ nên tôi phải rớt thôi? Dù rớt nhưng tôi may còn được thi, người ta đóng tiền mấy năm rồi mà có được thi đâu, dân làng cũng không biết đòi ai. Họ chịu mất tiền thôi. Ai bảo tin lời ông Chinh?
Ngoài ông Chinh, đầu năm 2009, một người đàn ông tên Long, nguyên là cán bộ Công an huyện Đak Đoa cũng xuống tận các làng hứa hẹn với người dân sẽ cho đi học lái và tổ chức thi lấy giấy phép lái xe mô tô với mức phí từ 500 đến 550 ngàn đồng. Nhưng sau khi thu tiền của dân, người đàn ông này cũng… biến mất dạng.
Thừa nhận việc này, ngay cả ông Chiên- một cán bộ đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Hà Đông xác nhận: “Chính bản thân tôi cũng nộp 550 ngàn đồng cho ông Long để thi bằng lái vào năm 2009 nhưng hiện vẫn chưa được thi. Người nộp tiền để học, thi như tôi ở các làng nhiều lắm nhưng họ không được thi và cũng không biết đòi tiền lại từ ai?”.
Nguyên Chủ tịch UBND xã dùng… súng chỉ để hăm dọa dân?
Theo phản ánh của bà con làng Kon Ma Har, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, thay vì tổ chức hòa giải, giúp dân đoàn kết thương yêu nhau, ông Chinh thường hăm dọa, lớn tiếng quát nạt người dân khi họ lên UBND xã trình bày bức xúc của mình. Thậm chí, đối với người dân làng Kon Ma Har, ông Phạm Duy Chinh khi còn đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hà Đông còn là nỗi sợ hãi gắn liền với súng đạn!
Khẩu súng và giấy phép sử dụng được Công an tỉnh Gia Lai cấp cho Công an xã Hà Đông. Ảnh: Thanh Luận
Anh Bik làng Kon Ma Har nhớ lại: Đầu năm 2011, tôi và một thầy giáo tên Thu ở Trường  THCS Hà Đông có một hiểu lầm và xảy ra cãi vã. Nhưng khi xuống giải quyết, ông Chinh chưa biết chuyện gì đã túm lấy cổ áo tôi, rút một khẩu súng ngắn kê vào bụng tôi trong khi tôi đang nói chuyện với các thầy Trường THCS Hà Đông. Tôi sợ lắm. Súng mà ai chẳng khiếp! 
Trước đó, vào năm 2008, ông Chinh còn dùng súng đòi bắn một người đàn ông tên là Xít cũng ở làng Kon Ma Har với lý do Xít dám chở rễ cây gỗ trắc lên bán cho ông Tân- một hộ kinh doanh trong xã Hà Đông. Dân làng Kon Ma Har ngày càng sợ ông Phạm Duy Chinh hơn nữa khi trong buổi họp làng vào ngày 31-7-2011 do Ủy ban MTTQ xã Hà Đông tổ chức, khi dân làng ý kiến về vấn đề này, ông Chinh cho rằng ông có giấy phép sử dụng súng hẳn hoi nên có quyền sử dụng khi cần thiết!
Ngày 16-8-2011, làm việc với chúng tôi tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã Hà Đông, ông Phạm Duy Chinh thừa nhận bản thân ông có rút súng ra chủ yếu để hăm dọa thôi chứ không có ý định bắn ai cả! Và để minh chứng cho lời giải thích của mình, ông Chinh lục túi xách cá nhân lấy súng bắn đạn hơi cay và giấy phép sử dụng do Thượng tá Lê Duy Long, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai cấp cho lực lượng Công an xã Hà Đông, huyện Đak Đoa sử dụng vào ngày 28-12-2010… chứ không phải cho cá nhân ông. Nhưng ông Chinh lại cho rằng ông có quyền sử dụng súng bắn đạn hơi cay vì đây chỉ là công cụ hỗ trợ được cấp cho lực lượng Công an xã sử dụng và ông hay đi đường rừng nên… được phép sử dụng loại vũ khí này?
Thanh Luận- Thanh Sơn

Có thể bạn quan tâm