(GLO)- Toàn tỉnh hiện có khoảng 78 ngàn ha cà phê, trong đó có khoảng 76 ngàn ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng 187 ngàn tấn. Cà phê của Gia Lai chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống, tại các hộ riêng rẽ, do đó việc tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, giá bán cao và bền vững là rất khó.
Hiện nay, chỉ có khoảng 2 ngàn ha cà phê được sản xuất theo một trong 4 tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, 4C, Utz, Rainforest) với sản lượng khoảng 7 ngàn tấn. Để giúp nông dân chuyển từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn và góp phần phát triển diện tích cà phê được chứng nhận, nâng cao thương hiệu cà phê trên địa bàn tỉnh, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) xây dựng “Mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP” nhằm đảm bảo sự phát triền bền vững lâu dài về hiệu quả kinh tế, an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường sản xuất.
Công đoạn đóng gói cà phê. Ảnh: Hà Duy |
Muốn sản xuất cà phê sạch thì người trồng cà phê cần hạn chế hoặc không sử dụng phân hóa học, thay vào đó là phân hữu cơ (phân xanh, phân rác ủ, phân hữu cơ vi sinh…) hạn chế (hoặc không) sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, tưới nước vừa phải, tiết kiệm nguồn nước và không ảnh hưởng đến đất trồng, thay vào đó là các biện pháp thủ công nhằm đề phòng và diệt trừ sâu bệnh. |
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản cho biết: “Chi cục đã phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Pleiku và UBND xã Chư Á chọn địa điểm, chọn các hộ trồng cà phê có đầy đủ các điều kiện, tiêu chí như địa điểm sản xuất nằm trong vùng quy hoạch, có diện tích canh tác liên vùng, liên thửa để thuận tiện trong việc quản lý, giám sát, ưu tiên những hộ có nguyện vọng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, đã chọn ra 12 hộ nông dân tại thôn 4 xã (Chư Á) đạt các tiêu chí trên để tham gia mô hình với tên gọi là Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững đoàn kết. Tổng diện tích cà phê được triển khai là 20 ha”. Mô hình bắt đầu triển khai từ tháng 5-2014 với kinh phí thực hiện là gần 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 110 triệu đồng để mua sắm, trang bị các vật tư thiết yếu (như phân bón, men vi sinh ủ phế phẩm) và tổ chức tập huấn, hội thảo tổng kết, thuê cán bộ kỹ thuật, làm bảng hiệu mô hình...
Khi tham gia tổ hợp tác, các hộ nông dân này được Chi cục mời chuyên gia về tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cà phê, hướng dẫn phương pháp ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê. Đây là cơ sở có tính kỹ thuật làm cơ sở cho việc đánh giá, chứng nhận chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP sau thu hoạch. Bên cạnh đó, “Chúng tôi được hướng dẫn cách xây dựng hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chung thống nhất cho tập thể như xây dựng hệ thống mã lô, mã hộ để quản lý sản phẩm đến từng vườn và hộ sản xuất. Các chỉ tiêu của VietGAP được cụ thể hóa thành những quy trình áp dụng trong điều kiện sản xuất và sơ chế gồm quy trình sử dụng phân bón (xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, xác định các loại phân định sử dụng, kiểm tra nguồn gốc, bảo quản cách ly…), quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (xác định sâu-bệnh hại, xác định loại thuốc cần sử dụng, kiểm tra nguồn gốc, an toàn trong sử dụng thuốc, thu gom vỏ bao bì...), quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản, xuất bán (kiểm tra thời gian cách ly, thu hoạch, phơi khô quả, sàng tạp chất, xát cà phê, đóng bao, bảo quan, xuất bán”-ông Nguyễn Quang Vinh-Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn 4 (xã Chư Á) cho hay.
Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cà phê do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành là các nguyên tắc, nội dung, phương thức quản lý và thực hành các hoạt động trong quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và kinh doanh cà phê tại Việt Nam. Ngoài VietGAP, các tổ chức cá nhân còn sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn khác như: 4C, Utz, Rainforest. |
Qua gần 1 năm triển khai, mô hình canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP đã đem lại hiệu quả.Theo đánh giá của người dân, việc bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình đã giảm được 3% tổng chi phí đầu vào. Quan trọng hơn, kiến thức của người sản xuất về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động, an toàn trong sản xuất đã được nâng cao rõ rệt. Người dân đã ý thức được sản xuất và thu hoạch cà phê đúng tiêu chuẩn là rất cần thiết, nhờ đó chất lượng hạt cà phê được nâng cao. Đây là cơ hội để sản phẩm của người nông dân có thể tiếp cận, đàm phán với các nhà xuất khẩu, chế biến, rang xay với giá cao hơn so với sản phẩm thông thường chưa được chứng nhận.
Hà Duy