Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Đến nơi… “nhạy cảm”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói “nhạy cảm” là bởi cho đến nay khi nghe hai từ Tân Rai, người ta nghĩ ngay đến chuyện bauxit ở đấy mà thường là chuyện không mấy hay ho gì. Cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng tôi đến với nơi “nhạy cảm” này với một quyết tâm tìm hiểu sự thật về nó từ nguồn thông tin của người trong cuộc…

.

Tuy mới tách ra từ thị xã Bảo Lộc (nay là TP. Bảo Lộc) chưa lâu, nhưng huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển khá của Lâm Đồng, dân số chừng trên 11,1 vạn người và với 14 đơn vị hành chính cấp xã, nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, giao thông khá thuận lợi, cách TP. Hồ Chí Minh chưa đầy hai trăm cây số và cách Phan Thiết bằng đúng con đường về Đà Lạt-100 km. Ngoài sản xuất các loại cây lương thực, nơi đây còn có thế mạnh là vùng trồng chè, cà phê, hồ tiêu... mỗi năm các ngành sản xuất này đóng góp cho ngân sách huyện trên 150 tỷ đồng.
 

Tân Rai. Ảnh: Bích Hà

Hơn thế, Bảo Lâm sở hữu trong lòng đất của mình một trữ lượng rất lớn quặng bauxit. Điều này đã được các nhà khoa học, các nhà kinh tế nghiên cứu, xác định; và để khai thác có hiệu quả, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội, một dự án quy mô lớn về vấn đề này được xác lập. Nổi cộm lên và trở thành nhiều loại ý kiến tranh cãi khác nhau là vấn đề môi trường, sự tác động đến xã hội cư dân trong vùng và lao động nước ngoài tham gia dự án ở đây.

Dự án nói trên được gọi là Tổ hợp bauxit-nhôm Lâm Đồng, chủ đầu tư của nó là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tư vấn lập dự án này gồm những đơn vị có bề dày kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia, đó là điều mà những người có trách nhiệm chủ trì dự án khẳng định ngay từ khi chúng tôi “mục sở thị”.

Hôm ấy, một ngày giữa hè của năm con Rồng này, trời Bảo Lâm mưa tầm tã, con đường dẫn chúng tôi vào trung tâm khu nhà máy nhiều đoạn đã hư hỏng nặng, từng vũng nước lớn tràn ngập trên mặt đường và con đường cũng dường như đang được sửa chữa nhưng còn dở dang, chẳng biết lý do gì? Vượt ra khỏi khu dân cư, trước mắt chúng tôi đã là một công trường rộng lớn, đường nội bộ đã hoàn tất với bê tông nhựa phẳng phiu dọc ngang như bàn cờ. Nhiều khu vực nhà xưởng nối nhau với quy mô của một khu công nghiệp hiện đại cũng đã hoàn thành.

 

Tân Hội. Ảnh: Bích Hà

Nói chuyện với chúng tôi trong buổi gặp mặt này, ông Trần Dương Lễ- Phó Trưởng ban Quản lý dự án khẳng định mục tiêu của dự án là khai thác quặng bauxit tại các mỏ thuộc khu vực Tân Rai và sản xuất ra alumin để làm nhôm phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này, qua báo chí trước đây tôi đã ít nhiều biết đến, câu trả lời mà chúng tôi muốn nhanh chóng có được là những vấn đề “nổi cộm” đã đề cập ở trên.

Như hiểu được tâm trạng của khách, chủ nhà-ông Trần Dương Lễ, đã cho bật máy chiếu và tự mình “cầm roi” chỉ dẫn từng chi tiết trên màn hình..., cho dù hội trường hôm ấy khá đông khách, ngoài trời lại mỗi lúc mưa càng như trút nước, không khí trong nhà khá bức bối, điện lại chập chờn, có lúc vụt tắt rồi lại bất ngờ bừng sáng, nhưng có lẽ những điều “thuyết minh” của chủ nhà khá thuyết phục nên mọi người vẫn giữ yên lặng đến những phút cuối cùng của cuộc trò chuyện tập thể này.

Khoảng gần 2,3 ngàn ha đất dự án được giao, trong đó cả khu mỏ và nhà máy sản xuất đều nằm gọn trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Bí thư Huyện ủy huyện này cho biết, vấn đề “được dư luận quan tâm nhiều nhất ở đây có lẽ là… nhà thầu và lao động người nước ngoài?”. Nếu như vậy thì có thể khẳng định rằng trong danh sách các tổ chức tư vấn lập dự án này có yếu tố nước ngoài, đó là: Công ty Pechiney-Pháp, Công ty Explicit Engineering-Australia, Tập đoàn Luyện kim Vân Nam-Trung Quốc, các tổ chức này hoàn toàn có tư cách pháp nhân và trong thời gian tham gia hoạt động ở đây họ luôn chấp hành đúng theo những gì mà pháp luật của chúng ta quy định.

Và cho đến nay trên công trường hiện chỉ có trên 150 lao động kỹ thuật là người nước ngoài, bởi họ là chủ nhân trúng gói thầu số 9 (gói thầu EPC) của dự án, đó là nhà thầu Trung Quốc Chalieco làm tổng thầu khảo sát, thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị, đào tạo, chuyển giao công nghệ và vận hành thử. Công việc hiện tại tuy chậm tiến độ hơn so thời gian quy định nhưng cũng đã căn bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án.

Hồ chứa bùn đỏ là vấn đề được bàn đến khá nhiều và sự chậm tiến độ thi công của công trình cũng chính là “vấn đề bùn đỏ” này. Dự án phải tạm dừng một thời gian để mời chuyên gia nước ngoài thẩm định, và giờ đây khi mà các hạng mục của “bùn đỏ” đã được kết luận đạt chuẩn quốc tế thì mọi chuyện về “hậu quả” của nó-nếu có, đã là chuyện không còn có thể “nếu có thể” xảy ra ở đây, và có thể nói thêm, cho dù có sự cố tồi tệ nào đó xảy ra như nó đã từng xảy ra hồi cuối năm 2010 của một quốc gia Đông Âu thì tại Tân Rai sẽ không có hậu quả nào đáng tiếc đối với vùng dân cư lân cận-đó là điều khẳng định mà người đại diện của dự án đưa ra.

 

Quy mô sản xuất, sản phẩm của dự án theo thiết kế là phần mỏ với công suất 4,318 ngàn tấn năm (quặng bauxit nguyên khai); công suất nhà máy tuyển: 1,6 triệu tấn năm (quặng tinh khôi); nhà máy alumin với công suất 650 ngàn tấn năm; hình thức khai thác lộ thiên; mọi điều kiện kỹ thuật từ dây chuyền đầu vào đến đầu ra của sản phẩm đảm bảo quy chuẩn quốc tế; khi đưa vào vận hành, dự án sẽ thu hút 2,2 ngàn lao động, trong đó nhân lực hoạt động trong nhà máy cần đến 1,6 ngàn người được đào tạo căn bản (có khoảng 200 kỹ sư). Mức vốn đầu tư cho dự án đã được phê duyệt là 11,353 ngàn tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm cho rằng, về phía địa phương, mọi vấn đề liên quan đã được phối hợp xử lý một cách thấu đáo. Khu tái định cư đã được quy hoạch và người dân trong vùng dự án đồng thuận và sẵn sàng chấp nhận mọi sự đền bù, di dời đối với họ. Gần 47 ha đất, trong đó có 19,8 ha dành cho đất ở với 731 lô, mỗi lô như vậy có diện tích từ 132 đến 300 m2, 583 lô đã giao cho người sử dụng đúng mục đích và 41 căn nhà của bà con dân tộc thiểu số đã được Tập đoàn Than-Khoáng sản quyết định xây tặng.

Về phần mình, ông Lễ cho biết, TKV đã phối hợp quy hoạch xong vùng tái định canh với quy mô 182 ha; cùng với hạ tầng khu tái định canh thì hạ tầng của vùng tái định cư cũng đã hoàn tất. Nghe chuyện “thuận buồm xuôi gió” này, tôi chợt nhận ra có một điều kỳ lạ là giống nhau ở chỗ bà con đồng bào bản địa ở đâu cũng vậy, luôn là người tiên phong trong việc giành lấy phần thiệt thòi về mình để cho số đông mọi người được hưởng lợi hơn. Đất đai, vườn tược bao đời là mồ hôi nước mắt tích tụ lại, nhưng khi cần họ sẵn sàng ra đi đến nơi ở mới để nhường lại cho lợi ích số đông. Trong khi đó, chuyện này không phải dễ thuyết phục đối với không ít những người “ngoại cuộc”, kể cả cán bộ đảng viên-được mệnh danh là người “đi trước” để “làng nước theo sau”!

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Hoàng Sỹ Sơn, thì tỉnh này bình quân mỗi năm của những năm gần đây thu ngân sách đạt con số mà theo tôi, các tỉnh Tây Nguyên còn lại khó có thể theo kịp-trên 4,3 ngàn tỷ đồng. Gia Lai là một tỉnh có nguồn thu ngân sách hàng năm tăng đáng kể, có được điều đó là sự nỗ lực của cả trên 1,2 triệu dân phấn đấu hết mình bằng những thế mạnh từ nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như cao su, cà phê, hồ tiêu, bông vải, đào lộn hột, khoai, bắp, mì… mỗi loại cây trồng ấy nhiều thì đã lên đến xấp xỷ trăm ngàn hec-ta, thấp mà giá trị không thấp như cây hồ tiêu cũng đã có cả gần chục ngàn hec-ta; những-con-số “chiều rộng” này Lâm Đồng khó có thể theo kịp; thế nhưng ở đấy “người ta” còn có những cái mà chẳng nơi đâu có được.

Với một Tân Rai, tới đây cùng với ngành công nghiệp không khói, thì ngành công nghiệp có khói này sẽ đem lại cho ngân sách Lâm Đồng mỗi năm chừng trên dưới sáu trăm tỷ đồng, chiếm gần một phần tám tổng nguồn thu cả năm-con số biết nói và sẽ nói được nhiều điều với một tỉnh cực Nam Tây Nguyên vốn đã giàu có càng thêm giàu có, và đó không chỉ cho Lâm Đồng…, bởi theo suy nghĩ thiển cận của người viết bài này, làm gì có chuyện thời buổi ngày nay mà lại còn nói đến… “sống bằng tiềm năng, ăn bằng truyền thống” kia chứ? 

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm