Bài 2: Giúp bạn xây dựng đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi thoát khỏi địa ngục trần gian, đất nước Campuchia dường như chỉ là một đống tro tàn, nền kinh tế thì kiệt quệ. Một lần nữa, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (nay là Đảng Nhân dân Campuchia), Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia đã đề nghị Việt Nam giúp đỡ xây dựng chính quyền mới. Và vẫn trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định đưa các đoàn chuyên gia sang cùng nhân dân Campuchia khắc phục hậu quả để phát triển đất nước.

Bắt đầu từ đống tro tàn

Đất nước thoát khỏi họa diệt chủng, người dân Campuchia lần lượt trở về làng cũ để sinh sống, nhưng lúc này họ lại phải đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, cùng với nỗi lo sợ bọn tàn quân Pôl Pốt có thể quay trở lại “đảo ngược tình thế”. Và việc đầu tiên mà đất nước Campuchia cũng như các đơn vị quân tình nguyện phải làm là vừa cứu đói, chữa bệnh cho nhân nhân, vừa tăng cường củng cố các lực lượng vũ trang, tham gia khôi phục sản xuất… Bà Phạm Thị Kim Nhung, lúc bấy giờ cũng tham gia trong đoàn chuyên gia giáo dục của tỉnh Đak Lak sang Munđunkiri nhớ lại: Thời gian đầu mới giải phóng, Campuchia vẫn chưa có chợ, chưa có trường học, đường sá đi lại thì vô cùng khó khăn. Nhưng khó khăn ấy chưa là gì so với sự quấy rối dai dẳng của bọn tàn quân Khmer Đỏ.

Mặc dù đã bị đánh cho tan tác, song tàn quân của Pôl Pốt vẫn lẩn trốn rải rác trong các khu rừng thuộc các tỉnh Đông Bắc Campuchia và thỉnh thoảng chúng lại tổ chức tập kích, quấy rối. Vì vậy, ngay cả các đoàn chuyên gia Việt Nam được cử sang Campuchia giúp khôi phục đất nước, xây dựng bộ máy chính quyền, đoàn thể theo lời đề nghị của Đảng nhân dân cách mạng Campuchia lúc bấy giờ cũng luôn phải hành quân trong tư thế tập trung cao độ, sẵn sàng chiến đấu cao. 

Nhân dân thủ đô Phnom Penh tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: K.N.B
Nhân dân thủ đô Phnom Penh tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: K.N.B

Ông Vũ Văn Luyện-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, kể lại: “Tháng 6-1982, tôi và hơn 100 cán bộ, giáo viên trường Quân chính-Quân khu 5 được điều động sang tỉnh Stung Treng để giúp bạn xây dựng, tổ chức thành lập trường Quân chính của Quân khu I-Campuchia. Khi đơn vị hành quân qua đoạn đường thuộc dốc đá Ban Lung thì bị tàn quân địch phục kích bằng B40, B41 và mìn… Cũng may, đơn vị hành quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nên không có đồng chí nào bị thương vong”. Cũng theo ông Luyện, mặc dù đất nước Campuchia đã được giải phóng, thoát khỏi họa diệt chủng nhưng trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc, bom mìn vẫn còn sót lại rất nhiều khiến nhiều chiến sĩ của ta hy sinh ngoài ý muốn. Có người hy sinh trong quá trình truy quét, người thì hy sinh vì sốt rét rừng hành hạ, riêng có một đồng chí là trưởng khoa chiến thuật vừa đi phép trở lại đơn vị, sáng ra dọn vệ sinh-phát cây, dọn cỏ đã vô tình chạm mũi dao vào bom bi còn sót lại dẫn đến tử vong…

Công cuộc hồi sinh

Lục tìm trong tủ đựng giấy tờ, ông Lâm Huế mang ra cho chúng tôi xem một chiếc hộp giấy đã cũ kỹ. Bên trong chiếc hộp giấy là những giấy tờ liên quan đến suốt quá trình công tác trong quân đội cũng như năm tháng ông công tác bên đất nước chùa Tháp, cùng một số kỷ vật, một vài tấm hình hiếm hoi ông chụp cùng những đồng chí, đồng đội và cán bộ người Campuchia… Đưa cho chúng tôi xem một tấm hình đen trắng, chụp ba người đàn ông đang đứng trao đổi công việc, ông giải thích: Đây là tấm hình tôi cùng Pu Thong-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và Ky-Hiệu trưởng trường Quân chính Campuchia đang trao đổi công việc bên cạnh ngôi trường được dựng bằng tranh tre, nứa lá. 

Ông Lâm Huế.
Ông Lâm Huế. Ảnh: Phương Dung

Theo lời kể của ông, ngày 30-5-1979, khi đang là Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum, ông  được Quân khu 5 điều qua Campuchia làm Hiệu trưởng trường huấn luyện đoàn 578 (hay còn gọi là trường Quân chính), với nhiệm vụ là đào tạo cán bộ cho Campuchia. Trường đóng tại Ban Lung (Rattanakiri). Lúc đó, Quân khu cũng điều lên khoảng 70-80 cán bộ khung, chuyên gia quân sự cùng với cán bộ khung của bạn (khoảng 4-5 người) và một phiên dịch. Mặc dù toàn là chuyên gia, cố vấn quân sự, nhưng mọi người lúc đó vẫn gọi vui là “cố vác”. Vì khi đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện chưa có, mọi người phải xắn tay vào khuân vác tre nứa, cắt cỏ tranh… để dựng trường học, nhà ở, sau đó là các mô hình, học cụ phục vụ cho công tác huấn luyện.

Sau khi chuẩn bị xong cơ sở vật chất, trường bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên với khoảng 70-80 học viên, là những tiểu đội trưởng, chiến sĩ của lực lượng địa phương Campuchia. Từ những bài học về truyền thống cách mạng Campuchia cho đến những bài huấn luyện kỹ-chiến thuật… Đặc biệt, trong suốt quá trình học tập, những học viên này đều được Việt Nam nuôi cơm gạo và trang bị vũ khí. Có một kỷ niệm mà ông Lâm Huế nhớ mãi, đó là trong giờ học thấy phía dưới các học viên bàn tán xôn xao, rồi không chịu học nữa mà đồng loạt đứng dậy, thu dọn đồ đạc đi về. Vì không hiểu tiếng nói của nhau nên các chuyên gia của ta không hiểu có chuyện gì đang xảy ra, mặc dù vậy, ông Huế cũng chỉ đạo cho cán bộ “nuôi quân” của ta, gói những nắm cơm kèm muối vừng chạy xe theo, gặp người nào thì đưa cho người đó và thuyết phục họ quay lại. Hóa ra, các học viên này vì nhớ nhà, nhớ vợ con nên muốn về nhà. “Trong thời gian làm chuyên gia ở Campuchia, tôi đã tham gia đào tạo được 2 khóa học viên và những học viên này được đưa về chỉ huy các lực lượng của các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Nhiều học viên đã trở thành những cán bộ chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang Đông Bắc Campuchia sau này”-ông Lâm Huế cho hay.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm